Đối thoại với trẻ hư

08/09/2010 23:09 GMT+7

Hôm mùng 7.9 vừa qua, có hai sự kiện na ná giống nhau, diễn ra cùng lúc, một ở Tiền Giang, một ở Đà Nẵng. Đó là việc đối thoại giữa người đứng đầu thành phố Đà Nẵng - ông Nguyễn Bá Thanh với 300 trẻ vị thành niên có lý lịch “đen” và cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Tiền Giang với 30 thanh thiếu niên, đang là những “yêng hùng xa lộ” trên địa bàn tỉnh này.

Cấp độ và quy mô có khác nhau, song cả hai cuộc đối thoại trên giống nhau ở chỗ: lắng nghe bọn trẻ (tạm gọi là “hư”) nói gì? Và chúng muốn gì?

Bây giờ, việc đối thoại giữa các nhà quản lý với các đối tượng quản lý vẫn thường diễn ra, song đối thoại với thanh thiếu niên hư như ở Đà Nẵng và Tiền Giang thì rất hiếm gặp.

Có thể xem cuộc đối thoại với 300 trẻ vị thành niên mới đây của người đứng đầu thành phố Đà Nẵng là cuộc đối thoại rất đặc biệt. Bởi trước khi diễn ra cuộc đối thoại này, 300 thiếu niên có lý lịch “đen” ấy được đi tham quan miễn phí theo một tour du lịch đặc biệt: thăm trường Giáo dưỡng số 3 ở H.Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Bằng phương pháp “trực quan sinh động” này, các nhà quản lý TP Đà Nẵng muốn gửi cho các “khách tham quan” một thông điệp: thấy để tránh!

Sau buổi “tham quan đặc biệt” là phần phát biểu cảm nghĩ của đám trẻ, ông Thanh chủ yếu là lắng nghe. Đã có nhiều em “đăm chiêu” ngay sau khi chứng kiến các “chiến hữu” của mình sinh hoạt trong trại. Không kỳ vọng vào sự “hối lỗi” qua một lần “trực quan” này của các em, song chắc chắn cuộc đối thoại ít lời ấy sẽ có tác dụng không nhỏ trong nhận thức của bọn trẻ. Người đứng đầu TP Đà Nẵng hy vọng rằng “chúng ta sẽ không phải gặp nhau ở ngôi trường đặc biệt này trong tương lai”. Có lẽ, 300 đứa trẻ đều hy vọng thế. 

Trà Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.