Hàng trăm chiếc DVD khiêu dâm chất cao trên chiếc bàn giữa quầy hàng tạm bợ của Jassim Hanoun trên hè phố trung tâm Baghdad. Hanoun cũng bán các phim “bom tấn” của Hollywood nhưng phim sex vẫn bán chạy nhất. "Tôi có tất", anh nói với phóng viên của AP “Anh muốn loại nào? Tôi có phim Mỹ, Ả Rập, Iraq, Ấn Độ, phim quay lén những người nổi tiếng - bất cứ thứ gì anh thích”.
Từ phim khiêu dâm...
Sự xuất hiện của phim khiêu dâm tại một xứ Hồi giáo phản ánh tình trạng ổn định mong manh của Iraq. Chính phủ vẫn quay cuồng với các vấn đề cấp thiết nên chưa thể ra tay với tệ nạn này. Các chính trị gia vẫn loay hoay suốt 5 tháng qua với việc lập chính phủ mới sau cuộc tổng tuyển cử gây tranh cãi, chưa kể nguy cơ tấn công của các nhóm chống đối hiện diện hằng ngày hằng giờ.
Việc các đĩa phim khiêu dâm được bán công khai ở Baghdad là sự cởi mở chưa từng có trong thế giới Ả Rập. Ở hầu hết các nước trong khu vực, khiêu dâm bị coi là bất hợp pháp, là cấm kỵ đối với người Hồi giáo. Nhưng từ sau năm 2003, băng đĩa sex hiện diện đầy đường, một dấu hiệu cho thấy tình trạng không có luật lệ ở đây.
Chỉ vài tháng sau khi Mỹ và liên quân tiến vào Iraq, đi cùng với những người lính phương Tây là phim khiêu dâm, từng một thời gian dài bị cấm ngặt dưới chế độ trước. Trẻ em chào mời khách mua phim “nghèo” trong Vùng Xanh - nơi tập trung các cơ quan Chính phủ Iraq và Sứ quán Mỹ, còn những người bán dạo thì rao hàng "nóng" quanh các khách sạn nơi báo chí quốc tế đặt văn phòng.
Cơn sốt “tươi mát” cũng bị gián đoạn một thời gian. Năm 2004, Iraq gần như bị vỡ thành từng mảnh trong cuộc chiến giữa các phe phái. Trong khi các nhóm Hồi giáo dòng Sunni tập trung thực hiện việc bắt cóc, đánh bom tự sát thì các phe dòng Shiite kiểm soát nhiều khu vực của Baghdad. Các tay súng tập trung triệt phá những người buôn bán rượu, băng đĩa khiêu dâm và bất kỳ thứ gì bị cấm theo luật Hồi giáo. Ammar Jamal, chủ hiệu DVD cạnh chỗ của Hanoun, từng bị tống giam 20 ngày vào năm 2007 vì tội bán văn hóa phẩm đồi trụy.
Nhưng từ năm 2007, các phong trào Hồi giáo chống đối bị trấn áp nên trật tự phần nào được lập lại. Tuy nhiên, nhà chức trách vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn nên không để ý đến việc trấn áp những người buôn bán đĩa sex dạo. Vì thế Hanoun và các “đồng nghiệp” lại tràn xuống đường dù họ không cảm thấy an toàn cho lắm. “Họ vẫn dọa giết tôi”, anh nói. “Họ” theo ý anh có nghĩa là các tay súng Hồi giáo hoặc cảnh sát. Nhưng với Hanoun, điều này không quan trọng “bởi đằng nào cũng chết”.
...Đến thuốc kích dục
Bán phim sex là công việc tốt nhất mà Hanoun có thể kiếm được, bởi ở Iraq tỷ lệ thất nghiệp trên giấy tờ đã lên đến 20%, và trong thực tế còn cao hơn thế. Cầu có ắt cung tăng. Hanoun sao chép rất nhiều phim khiêu dâm mỗi ngày, với giá khoảng 3.500 dinar (58.000 đồng VN) mỗi phim. Kho phim của anh ta có đủ thể loại từ nhẹ đến nặng; từ phim của phương Tây lấy từ trên mạng, đến loại cây nhà lá vườn do các cặp nam nữ Ả Rập diễn.
Những tựa phim được tìm thấy ở chỗ của Hanoun, Jamal và các tay bán phim sex khác có ngôn ngữ trần trụi và “nặng đô”, cho thấy những tổn thương tâm lý nặng nề mà người Iraq phải chịu trong nhiều năm chiến tranh và bạo lực. Theo AFP, những chấn thương tâm lý cũng là tác nhân khiến một bộ phận đàn ông Iraq xoay sang sử dụng thuốc kích dục. Việc sử dụng loại thuốc này cũng là hiện tượng mới từ sau năm 2003, bị cấm tuyệt đối dưới thời Saddam Hussein. Kể từ cuối năm 2007, các loại thuốc như Viagra cùng các loại “đồ chơi” phục vụ chuyện phòng the được bày bán công khai ở chợ và trên đường phố, trong những bao bì in hình “tươi mát” bắt mắt không kém bìa đĩa sex. Cũng như phim “đen”, những người bán loại hàng này cũng đang ăn nên làm ra. Đối tượng khách hàng còn có những quý ông Iraq muốn thể hiện bản lĩnh đàn ông thời mới dù ban đầu còn tỏ ra ngượng ngùng.
Chỉ có đàn ông tìm đến những khu chợ như Bab al-Sharji ở trung tâm Baghdad. Tuy nhiên, những người bán dạo trên hè phố vẫn có “hàng” cho phụ nữ. “Nhu cầu cho các mặt hàng này rất lớn với khách hàng đủ mọi lứa tuổi. Trong đó có một số người mua thuốc kích thích cho phụ nữ”, Ahmed - một người bán dạo nói với hãng tin DPA.
DPA dẫn lời Amar Jabar, một quan chức thuộc Bộ Y tế Iraq nói gần 90% thuốc kích dục bày bán trên đường được các doanh nghiệp tư nhân nhập khẩu mà không có sự giám sát về y tế. Theo quan chức này, sự bùng nổ kinh doanh thuốc kích dục có phần được thúc đẩy bởi tình trạng vô luật pháp và trật tự trong một thời gian dài ở Iraq. An ninh đã và sẽ là mối lo ngay cả khi quân Mỹ rút đi, nhưng cuộc “cách mạng tình dục” được khơi mào từ sau cuộc chiến năm 2003 chắc chắn sẽ còn tiếp tục. Và những hoạt động “ăn theo” cũng sẽ như thế.
Trùng Quang
Bình luận (0)