Gửi con gái ngày vào đại học

09/09/2010 17:37 GMT+7

Sau một thời gian dài, nói một cách văn vẻ, là “vượt vũ môn” qua hai kỳ thi căng thẳng để con từ một học sinh thành sinh viên đại học, một giai đoạn học tập mới của con bắt đầu.

Hành trang để đến trường đại học của con là một vali nhỏ quần áo và một ba lô đựng dụng cụ học tập, một vài quyển tập kỷ niệm. Con đã để lại ở nhà mọi thứ, sách tập, viết bút, quần áo đồng phục... thời trung học, mà cách nay một tuần mẹ cùng con gói ghém lại, bỏ vào thùng giấy, dán nhãn cẩn thận, để vào... gầm giường.

Một thay đổi lớn trong đời con.

Hai chữ “sinh viên” được một vài từ điển tiếng Việt định nghĩa là học sinh học đại học. Định nghĩa này đã hạ thấp khái niệm sinh viên mà con sắp được mang danh.

Khi con được gọi là sinh viên, ngấm ngầm xã hội đã tôn trọng con hơn một nấc. Không giống như học trò “ăn chưa no lo chưa tới”, sinh viên có quyền tự lập và tự chịu trách nhiệm các hành vi của mình trước luật pháp. Tự chịu trách nhiệm với đời sống của mình trước mọi người.

Các giảng viên đại học sẽ không bắt ép con phải ghi bài giảng của họ để xét tập chấm điểm... Thậm chí nhiều vị còn không bắt buộc con phải vào lớp đúng giờ, dự hết buổi giảng của họ, vì con không học, con thiệt hại nhiều mặt,... chứ các thầy cô không buồn phiền gì, nhiều lắm họ chép miệng: sinh viên thời nay... Chỉ những sinh viên ham hiểu biết, chuộng trí thức mới ham học, còn những sinh viên khác như thế nào, các giảng viên đại học đôi khi không cần biết...

Là một người tự do trong học tập, nên con cũng phải biết tự kiềm chế mình, phải có nghị lực để biết sử dụng thời gian trên giảng đường. Giảng đường sẽ không có sao đỏ để ghi tên con đi học trễ (những trường muốn có kỷ luật nghiêm cũng sẽ chỉ có một vị đứng ngoài cổng đề nghị sinh viên nào mặc quần áo lố lăng về nhà thay quần áo khác, chứ cũng không với mục đích ghi tên, hạ hạnh kiểm). Giảng đường sẽ không để phần ghế trống nào cho con nếu con đi học trễ, con sẽ không học một lớp học cố định hay một chỗ ngồi cố định... Còn nhiều cái khác nữa, mẹ sẽ lần lượt kể cho con biết.

Quê mình không có trường đại học để con thử vào đấy xem cách sinh hoạt,  học tập của các anh chị sinh viên. Con phải xa nhà, như thế con có nhiều phần thiệt thòi.

Sẽ không còn ai buổi sáng xem thời khóa biểu để nhắc nhở, thậm chí réo gọi con dậy đúng giờ để đi học. Con sẽ không còn được một đĩa cơm chiên, một tô bánh canh, một gói xôi, vài củ khoai luộc nóng hổi để sẵn vào buổi sáng. Con sẽ phải tự lo lấy tất cả.

Sẽ không còn ai thu dọn giúp con những tập vở, quần áo con vứt ngổn ngang trong phòng, mà con còn phải cẩn trọng để không mất mát; con bừa bãi, bạn không nói, nhưng trong lòng bạn không hài lòng, chê bai.

Sẽ không ai chờ con vào những buổi tối con rong chơi, bù khú với bạn bè, để chợt thở phào nhẹ nhàng, an tâm khi thấy bóng con về đầu ngõ.

Ngoài những việc đó, con còn cần phải tự lên kế hoạch tài chính cho mình. Tiền bạc là một vấn đề rất lớn với hầu hết sinh viên. Dù con có nhiều tiền đến đâu cũng nhớ phải chi tiêu cho hợp lý. Hay hơn hết là con ghi tất cả ra giấy: ưu tiên cho tiền giáo trình, ước lượng những chi phí như sách, vở, thức ăn, phụ cấp... Và nhớ là đừng ăn cơm bụi; tuy nấu ăn mất nhiều thời gian nhưng nó sẽ rẻ và sạch, bảo đảm sức khỏe hơn nhiều. Hãy rủ những bạn gái cùng phòng học nấu vài món ăn thông dụng, đơn giản mỗi ngày...

Có rất nhiều điều phải làm khi con bước chân vào môi trường mới. Cô sinh viên bé nhỏ của mẹ!

Hồng Cúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.