Dù biết trước ngày ấn hành A Journey: My Political Life, nhưng báo giới vẫn háo hức vì đây là cuốn hồi ký không đơn thuần kể về cuộc sống riêng tư của vị cựu Thủ tướng Anh - Tony Blair, về đời sống chính trị, mà còn nhiều chuyện hấp dẫn khác. Ở Anh, My Political Life hấp dẫn từ tạp chí giấy láng như The Daily Mirror và Daily Star, đến các tờ báo chính luận nghiêm túc, danh tiếng như The Times và The Guardian. Ngay cả bên kia bờ đại dương, sự quan tâm cũng không hề giảm sút. Chẳng hạn, tờ Los Angeles Times giao cho nhà báo từng đoạt giải Pulitzer là Tim Rutten viết bài giới thiệu cuốn hồi ký này. Tim Rutten cho rằng, My Political Life khác biệt ở chỗ: Trong số nhiều hồi ký của các chính trị gia, thì đây là cuốn do chính ông Tony Blair viết mà không cần đến sự chấp bút của một ai khác. Hơn thế, cựu Thủ tướng Anh chứng tỏ là tay viết chuyên nghiệp.
Thời điểm ấn hành cuốn hồi ký được tính toán kỹ: Trước đó một ngày - 31.8.2010, Tổng thống Mỹ - Barack Obama, tuyên bố rút quân, kết thúc chiến tranh ở Iraq. Tất nhiên quân Anh đã rút khỏi Iraq từ năm 2009, nhưng sự kiện khởi đầu chiến tranh Iraq, khi mà Tony Blair còn đương chức và có những quyết định quan trọng hẳn có rất nhiều ý nghĩa. Hơn thế, đến nay Blair vẫn cho rằng việc ủng hộ Mỹ tấn công Iraq của ông là đúng đắn, kịp thời, dù ông có cảm thương với những sinh mạng đã mất tại cuộc chiến này.
Chuyện lạ lùng về Gordon Brown
Một trong những điểm lôi cuốn của My Political Life mà độc giả quan tâm là mối quan hệ của Tony Blair với người cùng Công đảng - Gordon Brown. Đúng là cựu thủ tướng Anh không làm họ thất vọng, dù đôi khi người đọc không rõ chỗ nào ông Blair đùa vui, chỗ nào là ông nói thật. Chẳng hạn, về sự kiện năm 2004, sau cái chết bất ngờ của John Smith, Công đảng cần phải bầu vị trí lãnh đạo mới. Tony Blair đã kể câu chuyện khá lạ lùng.
|
Theo một đoạn trích từ My Political Life mà báo The Daily Telegraph đăng tải, Tony Blair và Gordon Brown gặp nhau tại nhà Nick Raiden để bàn bạc về việc ai sẽ là thủ lĩnh Công đảng. Khi đó, cả hai chính trị gia này mới ngoài 40 tuổi và khá có bản lĩnh, tiếng tăm, hội đủ điều kiện để làm chủ nhân ngôi nhà số 10 phố Downing (dành riêng cho Thủ tướng Anh). Blair viết rằng, chỉ có hai người trong ngôi nhà, sau đó Brown nói rằng, ông phải ra ngoài vài phút.
Sau 10 phút chờ đợi, Blair vẫn không thấy Brown đâu. Khi chờ được khoảng 25 phút, chuông điện thoại bàn bỗng reo. Do không phải là chủ nhân ngôi nhà, nên Blair không nhấc máy. Ấn nút tự động trả lời, Tony Blair nghe thấy giọng của Brown. Hóa ra, ngôi nhà này trước đó trong thời gian sửa chữa, người ta đã quên lắp tay cầm phía trong của nhà vệ sinh, vì thế khi vào đây, Brow đã không thể thoát ra được. Như vậy, theo lời Blair, số phận đã được quyết định, bởi Brown đã bị nhốt, nên ông không thể ra ứng cử vị trí lãnh đạo của Công đảng (!?).
Tuy nhiên, đề cập đến Brown, cựu thủ tướng Anh không chỉ có những lời lẽ hài hước. Nếu như tin Blair, thì trước mỗi cuộc bầu cử, Công đảng đều va chạm với “vấn đề Brown”. Bởi, Gordon Brown luôn cho rằng mình đảm nhiệm vị trí thủ tướng sẽ tốt hơn bất kỳ thành viên nào trong Công đảng. Ông luôn không đồng ý ngay việc ủng hộ một ứng viên của đảng mình. Hơn nữa, Blair mô tả Brown như một người có “toan tính chính trị” nhưng lại không có “nhạy cảm chính trị”. Cuối cùng ông buộc lỗi Brown trong việc Công đảng thất bại tại cuộc bầu cử 2010. Blair cho rằng, Gordon Brown không thích ứng với các hoạt động chính trị thời mới, nên đã thua đối thủ David Cameron của đảng Bảo Thủ.
Cuộc trò chuyện với Công nương Diana
Trong hồi ký của mình, Tony Blair cũng dành dung lượng đáng kể - gần 20 trang - để nói về Công nương Diana đáng kính. Câu hỏi về Diana mà độc giả trông chờ ông nói rõ chỉ mang tính gián tiếp. Blair kể về cuộc gặp gỡ cuối cùng của mình với công nương, nhưng không nói rõ có trò chuyện trực tiếp với Diana về việc yêu cầu bà chấm dứt cuộc tình ái với Dodi Al Fayed hay không (Hoàng gia Anh không mong muốn Diana sẽ lên xe hoa cùng tỉ phú Ai Cập này). Tuy thế, Blair thú nhận rằng, ông cùng Diana đi dạo và họ đã có cuộc trò chuyện không hề dễ dàng, hơn thế còn làm thất vọng công nương. Dù vậy, cuộc gặp gỡ này diễn ra ngày 6.7.1997, đó lại là thời điểm mà Hoàng gia Anh chưa tỏ ra lo lắng chuyện tình cảm của Diana. Hơn thế, trước khi hồi ký xuất bản, Tony Blair còn nói với phóng viên tờ The Guardian rằng, cuộc trò chuyện giữa hai người không đề cập đến chuyện Diana sẽ lấy chồng lần nữa.
|
Phần còn lại, Blair thể hiện sự khâm phục, kính trọng của mình với Công nương Diana và tỏ ý thương tiếc về cái chết của bà. Ông còn mô tả những ngày đầu tiên của Điện Buckingham sau cái chết của Diana. Thông tin mà Blair đưa ra không khác mấy nội dung bộ phim The Queen (Nữ hoàng) được công chiếu năm 2006. Cách hành xử của cựu thủ tướng Anh về việc Diana tử nạn không làm ai ngạc nhiên. Ông kể, mình đã thuyết phục Elizabeth II nên có bài phát biểu trước công chúng về sự kiện này, nhưng nữ hoàng lại từ chối làm điều đó nhân danh mình. Blair cũng cương quyết giữ quan điểm: Phải chôn cất công nương theo nghi lễ hoàng gia.
Quan điểm khác về George W. Bush
Ở cấp độ này hay cấp độ khác, Tony Blair đề cập đến hàng trăm chính trị gia hay người nổi tiếng trong cuốn hồi ký của mình. Nhưng cựu Tổng thống Mỹ - George W. Bush, được ông dành cho tình cảm đặc biệt, với những lời lẽ tốt lành. Trong những năm cuối nhiệm kỳ của mình, ông Bush hay tỏ ra nóng nảy với các nhân viên thuộc cấp, nhưng Blair lại mô tả ông là người có tính cách điềm đạm, giản dị trong giao tiếp. Hơn thế, vị cựu thủ tướng Anh còn cho rằng ông Bush thông minh, trong khi nhiều người lại nói ông là vị tổng thống “đần độn nhất trong lịch sử nước Mỹ”.
Blair cũng khen ngợi Jerry Adams, thủ lĩnh của Quân đội Cộng hòa Ireland, gọi đó là con người xuất chúng, đồng thời thừa nhận theo thời gian ông ngày càng có cảm tình với Jerry Adams. Ông cũng có những lời lẽ tốt lành đối với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, thậm chí với cả danh thủ David Beckham… Tựu trung, chân dung những người cùng thời trong hồi ký của Tony Blair vô cùng sinh động.
Ông đã chia sẻ với bạn đọc những chuyện rất riêng tư của đời mình. Blair kể rằng, người bạn gái đầu tiên của mình là ở trường phổ thông. Vị thủ tướng tương lai lúc đó đã phải chiến đấu với hàng chục đối thủ cạnh tranh khác để giành giật người đẹp. Tất nhiên, Blair dành nhiều trang cho vợ của mình - bà Cherie Blair và các con của hai người…
Các nhà phê bình đánh giá hồi ký của Tony Blair hấp dẫn hơn nhiều nếu so với hồi ký của những người tiền nhiệm như, Winston Churchill danh tiếng, hay “bà đầm thép” Margaret Thatcher. Nhưng đó là chuyện của giới phê bình, còn người ta đang mong A Journey: My Political Life sẽ bán chạy. Đơn giản, vì Tony Blair đã hứa sẽ dành hết nhuận bút cho các quỹ từ thiện.
Ngụy Vô Kỵ
Bình luận (0)