Người giàu chiêng, ché nhất Tây Nguyên

09/09/2010 06:03 GMT+7

Sau 10 năm sưu tầm cổ vật, Y Thim Byă đã trở thành người đầu tiên ở tỉnh Đắk Lắk xây dựng được “Bảo tàng văn hóa tư nhân”. Anh cũng là người sở hữu nhiều chiêng, ché nhất Tây Nguyên.

Y Thim Byă, sinh ra và lớn lên ở buôn Ea Bông, xã Cư Êbuar, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).

Khi còn học phổ thông, Y Thim Byă đã thuộc nhiều bài dân ca, diễn tấu được hàng chục bài chiêng cổ, biết sử dụng nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Sự đam mê văn hóa truyền thống đã thấm vào máu thịt tự lúc nào chẳng hay, để rồi lớn lên Y Thim Byă theo học Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk. Hiện anh tiếp tục học khóa đào tạo tại Trường Đại học Quản lý văn hóa.

Y Thim Byă tâm sự: “Càng tìm hiểu, mình càng thấy quý trọng truyền thống văn hóa của cha ông để lại. Vì vậy, mình suy nghĩ phải làm gì đó góp phần gìn giữ cho được những nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống nhất là những lời chiêng, những làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên”.

Với suy nghĩ ấy, từ 10 năm trước, khi làm cán bộ Đoàn của xã Cư Êbuar, Y Thim Byă đã bắt đầu “sưu tầm cổ vật”. Hễ nghe ở buôn xa, buôn gần nào đó có người không muốn giữ lại chiêng, ché, không muốn dùng cái ghế Kpan, hoặc bán đi cái bát, cái chén cổ là Y Thim Byă tìm đến mua bằng được.

Có người trong buôn làng bảo rằng: “Thằng Y Thim Byă nó bị hồn chiêng, hồn ché mê hoặc rồi. Trong nhà trên, nhà dưới của nó giờ ở đâu cũng thấy chiêng, thấy ché, thấy nhạc cụ và bát chén cũ. Ghế Kpan nhiều quá nhà nó chứa không hết, phải mang gửi ngoài Nhà văn hóa cộng đồng của buôn. Vậy mà nó vẫn chưa thôi tìm kiếm”.

Qua việc sưu tầm cổ vật, Y Thim Byă luôn suy nghĩ: “Mình không khuyến khích chủ cũ bán đi bộ chiêng, cái ché của ông bà họ để lại. Nhưng nếu họ không muốn giữ lại thì mình tìm cách mua về. Mình nghĩ rằng mình mua là để giữ lại cho đời con cháu sau này, giữ lại cho đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Nếu không tìm cách bảo tồn, chẳng bao xa nữa Tây Nguyên sẽ vắng nhịp chiêng, không còn những nhạc cụ truyền thống và sẽ nhạt men rượu cần. Và khi ấy, con cháu mình không biết cái ché Túk, ché Tang; không diễn tấu được các nhạc cụ dân tộc như Tù Và, đing Năm, đing Buốt, đing Pah, T’rưng; không hiểu hình hài, âm điệu của cái chiêng Bor, chiêng Arap, cái trống H’gơr nó thế nào…”.

Nhiều đợt Y Thim Byă còn tự lái xe máy cày đi cả trăm cây số, tới tận các buôn vùng sâu của huyện Cư Mgar, M’đrắk… để tìm mua những ghế Kpan, ghế Jhơng làm bằng cây gỗ quý dài gần chục mét. Để có nơi trưng bày cổ vật sưu tầm được, cuối năm 2009, vợ chồng Y Thim Byă đầu tư hơn 300 triệu đồng dựng một ngôi nhà sàn truyền thống.

Tâm sự với chúng tôi, Y Thim Byă cho biết: “Ngôi nhà này, mình ví như bảo tàng văn hóa thu nhỏ. Hiện mình tiếp tục dựng thêm một căn nhà sàn nữa mới chứa hết chiêng, ché, vật dụng sinh hoạt, nhạc cụ dân tộc mình sưu tầm được. Mong muốn của vợ chồng mình là xây dựng hoàn chỉnh để đón tiếp du khách tới tham quan, tìm hiểu về văn hóa truyền thống của đồng bào thiểu số Tây Nguyên. Hiện mình đã thành lập được đội chiêng, có thể tổ chức những lễ hội truyền thống như lễ đâm trâu, lễ cúng bến nước, lễ mừng lúa mới; diễn tấu cồng chiêng, hát dân ca dân vũ, đồng thời còn phục vụ những món ăn, đồ uống đặc sản như cơm lam, gà nướng, rượu cần”.

Qua Y Thim Byă, chúng tôi được biết, hiện trong ngôi nhà sàn - bảo tàng văn hóa tư nhân của anh, đang có tới 30 ché Túk, ché Tang, 18 bộ chiêng cổ (tổng cộng hơn 300 cái chiêng) của các dân tộc Gia Rai, Ê Đê, M’nông, hàng chục ghế Kpan, ghế chủ nhà và hàng trăm cổ vật là những vật dụng sinh hoạt và đồ trang sức như bát, chén, vòng đeo tay. Trong đó có những ché quý mà chủ cũ phải đổi bằng một con voi hoặc bằng một đàn trâu hàng chục con; có những vật dụng sinh hoạt vốn trước đây của gia đình tộc trưởng, tù trưởng; có bộ đồ nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng của già làng Bản Đôn; và có cả những chiếc ghế Kpan, ghế chủ nhà được làm bằng những cây gỗ quý to mà bây giờ trong rừng không còn nữa.

Bên cạnh việc sưu tầm cổ vật, Y Thim Byă còn chế tác, truyền dạy cho lớp trẻ sử dụng nhiều nhạc khí, nhạc cụ như: chiêng Kram, T’rưng, đing Pah, đinh Buốt, đing Tak Tar, đing Năm, Tù Và…

Dành tâm huyết cho việc sưu tầm cổ vật và tích cực tham gia truyền dạy những kiến thức về văn hóa nghệ thuật cho thế hệ trẻ trong vai trò cán bộ Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi, Y Thim Byă đã góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ, phát huy vốn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Theo SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.