Đó là đánh giá của ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM. Nói thêm về vấn đề này, ông Chương đã có buổi trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online.
* Thưa ông, khi nào thì HS nên được định hướng nghề nghiệp?
- Ông Nguyễn Hoài Chương: Theo tôi, việc tư vấn hướng nghiệp phải được thực hiện ngay khi HS bước vào trường THPT.
* Ông đánh giá việc định hướng nghề nghiệp cho HS được thực hiện như thế nào trong các trường THPT hiện nay?
- Hướng nghiệp là một nội dung giảng dạy của nhà trường cho HS. Trong chương trình THPT ở lớp 11, HS phải học 3 tiết/tuần các môn học nghề tự chọn và thi lấy bằng.
Bên cạnh đó, trong quá trình học tập, các giáo viên đứng lớp cũng lồng ghép việc định hướng nghề nghiệp cho các em thông qua việc phát hiện năng lực học tập, năng khiếu của mỗi HS trong từng môn học. Từ đó, giúp các em định hướng xem mình nên chọn ngành nào, nghề gì.
Hiện nay, trong khung nội dung giảng dạy của bậc THPT, ngoài việc học lý thuyết trên lớp, các trường phải tổ chức cho HS đi tham quan thực tế các cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp, các đơn vị hoạt động trong nhiều ngành nghề. Những buổi tham quan thực tế này cũng góp phần giúp HS hình dung ra được nghề nghiệp tương lai của mình, xem mình phù hợp với nghề nào cả về mặt năng lực lẫn sở thích.
Đối với lớp cuối cấp, hầu như các trường THPT tại TP.HCM đều thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên đề về tư vấn hướng nghiệp cho HS. Mặt khác, HS cũng có thể tiếp cận nhiều nguồn thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng, báo đài để có lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Các thầy cô giáo và nhà trường cố gắng cập nhật các thông tin, quy định mới trong GD-ĐT, dạy nghề và quy chế tuyển sinh cho các em.
* Theo ông thì khi lựa chọn một ngành nghề, HS cần được định hướng dựa vào những yếu tố nào?
- Hầu hết phụ huynh đều mong muốn cho con mình vào đại học. Đây là một mong muốn chính đáng và hoàn toàn tốt. Tuy nhiên, mỗi học sinh có một năng lực và sở thích riêng. Thế nên, khi hướng dẫn cho học sinh chọn lựa con đường tương lai của mình, theo tôi, yếu tố cốt yếu là phải dựa vào năng lực, năng khiếu và sở thích của bản thân học sinh. Nói vui, không thể bắt một HS yêu vẽ và vẽ đẹp đi học toán để trở thành Ngô Bảo Châu được.
Sau đó, là đến yếu tố điều kiện gia đình: kể cả điều kiện vật chất của gia đình, lẫn khả năng hỗ trợ của gia đình đối với con cái trong nghề nghiệp tương lai. Tôi cho rằng, không thể phủ nhận vai trò của gia đình trong việc phát triển sự nghiệp của cá nhân.
Thứ ba, cần phải xem xét nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai. Ở đây, đòi hỏi các nhà quản lý cần phải có những nghiên cứu, dự báo nhu cầu lao động, nghề nghiệp. Từ đó, chúng ta sẽ có hướng hướng nghiệp để cơ cấu lao động hợp lý.
* Ông nhìn nhận, hiện nay, HS đang có tâm lý chọn nghề như thế nào?
- Hiện nay, hầu như HS chọn nghề theo tâm lý "nghề thời thượng" và theo dư luận chung.
Có thể lấy ví dụ: nếu như cách đây khoảng 7 - 10 năm, HS đổ dồn thi vào các ngành thuộc khối khoa học công nghệ như các ngành của ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên và công nghệ thông tin là ngành thời thượng. Thì vài năm nay, HS lại đăng ký thi nhiều vào các trường của khối kinh tế, thương mại.
Tất nhiên, có sự biến chuyển này là do nhu cầu của xã hội tại thời điểm đó. Nhưng nhu cầu của xã hội thì sẽ có chừng mực và thị trường việc làm cũng phải theo quy luật cung - cầu lao động trong xã hội.
Việc "đổ dồn" vào những ngành được cho rằng “thời thượng” như thế sẽ khiến cho một số ngành thừa lao động trong khi những ngành khác lại thiếu.
Nhiều phụ huynh muốn con vào ĐH bằng mọi giá. Đó là một mong muốn tốt. Nhưng đứng về mặt xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế thì đòi hỏi HS phải được phân bố học đa dạng ở nhiều cấp học, trình độ và nghề nghiệp. Tâm lý chỉ muốn vào ngành “thời thượng” và vào ĐH bằng mọi giá sẽ ảnh hưởng đến việc hướng nghiệp đúng đắn cho HS, cũng như phân luồng HS một cách phù hợp.
* Nếu HS được định hướng nghề nghiệp tốt thì sẽ đem lại những lợi ích gì?
- Việc hướng nghiệp tốt sẽ mang lại tính kinh tế cho hoạt động GD-ĐT, đáp ứng được nhu cầu lao động của xã hội. HS, SV ra trường có công ăn việc làm, không dẫn đến tình trạng đào tạo phí phạm, không sát với nhu cầu thực tế và không đúng khả năng của HS.
HS được định hướng nghề nghiệp theo đúng năng lực và sở thích thì sẽ phát triển tốt trong ngành nghề của mình sau này cũng như phục vụ đúng nhu cầu của xã hội.
Theo khảo sát của Sở GD-ĐT TP.HCM, trong vài năm gần đây, nhiều HS đã chấp nhận đi học nghề để có thể làm việc chứ không nhất thiết phải vào ĐH nữa. Việc học ngành nghề và bậc học phù hợp với năng lực và năng khiếu của HS là cách tốt nhất để người đó tiếp tục phát triển nghề nghiệp, công việc, cuộc sống của mình trong tương lai chứ không phải việc thi ĐH là con đường duy nhất.
Đó là một dấu hiệu khả quan, đáng mừng!
* Xin cám ơn ông.
Nguyên Mi
(thực hiện)
Bình luận (0)