Mỹ với chiến lược đánh phủ đầu trên không gian mạng

14/09/2010 10:08 GMT+7

Lầu Năm góc đang cân nhắc triển khai chiến lược an ninh mạng nhằm bảo vệ hệ thống máy tính của Bộ Quốc phòng như cho phép phá hủy, đánh lừa, gây gián đoạn các hệ thống thông tin của đối phương. Chiến lược đánh đòn phủ đầu này của Lầu Năm góc đang gặp nhiều ý kiến e ngại về vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của nước khác và đặc biệt châm ngòi cho cuộc chiến mạng giữa các nước.

Để đảm bảo an ninh

Nhiều chuyên gia quân sự Mỹ nghi ngờ về sự cần thiết phải áp dụng các biện pháp mới thay cho các biện pháp phòng thủ truyền thống như nâng cấp các “bức tường lửa”, bảo vệ cổng máy tính và thay đổi mật khẩu. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ William J. Lynn III hồi cuối tháng 8 đã khẳng định rằng, việc áp dụng các chiến lược mới là khẩn thiết để đảm bảo an ninh quốc gia.

Theo ông William J. Lynn III, chiến lược này là “một sự thay đổi cơ bản về biện pháp bảo vệ hệ thống an ninh mạng của Mỹ”. Ông Lynn cho biết nội dung của chiến lược gồm các biện pháp như “phát hiện và ngăn chặn các phần mềm độc hại trước khi chúng thâm nhập hệ thống máy tính quân sự” của Mỹ.

Thông báo của Mỹ được đưa ra sau khi chi tiết về các cuộc tấn công mạng nhằm vào lực lượng quân sự Mỹ ngày càng gia tăng được tiết lộ. Theo báo cáo trên, tấn công mạng bắt đầu xảy ra vào cuối năm 2008, sau khi một ổ đĩa số liệu bị nhiễm virus được đưa vào máy tính xách tay của quân đội Mỹ ở một căn cứ quân sự tại Trung Đông. Virus độc hại trên ổ đĩa số liệu này không được phát hiện và đã lan tràn vào tất cả các hệ thống dữ liệu, tạo ra một đường dẫn cho phép những kẻ tấn công truyền số liệu vào các máy chủ dưới sự quản lý bên ngoài và đây không phải hành động xâm nhập thành công duy nhất.

Ông William J. Lynn III khẳng định nhiều cơ quan tình báo quân sự trên thế giới đang phát triển khả năng tấn công vào không gian mạng và hơn 100 tổ chức tình báo nước ngoài đang tìm cách thâm nhập các hệ thống máy tính của Nhà Trắng cũng như Lầu Năm góc.

Tướng Keith Alexander, Tư lệnh Bộ chỉ huy mạng của Lầu Năm góc, tuyên bố: “Mỹ phải có khả năng tiến công để chặn đứng những kẻ tìm cách tấn công chúng ta”.

Theo tướng Alexander, Bộ chỉ huy mạng mới thành lập của Lầu Năm góc gồm 1.000 nhân viên chống tin tặc và gián điệp quân sự dưới sự chỉ huy của một tướng 4 sao - là trụ cột trong chiến lược mới của Lầu Năm góc. Dự kiến Bộ chỉ huy mạng sẽ chính thức hoạt động đầy đủ từ ngày 1-10-2010. Theo các quan chức quân sự Mỹ, không gian mạng cùng với không gian trên bộ, trên biển và trên không sẽ tạo nên thành công cho quân đội Mỹ trên chiến trường.

Tuy nhiên, không ít các chuyên gia quan ngại rằng hành động chống lại máy tính của một kẻ tấn công ở nước khác có thể vi phạm chủ quyền của một nước. Các luật sư của Nhà Trắng đặt ra câu hỏi liệu Lầu Năm góc có quyền pháp lý để áp dụng hành động nào đó như phá hỏng một hệ thống máy tính ở một nước mà Mỹ không gây chiến với họ hay không. Điều này đang khiến các nhà hoạch định chính sách Lầu Năm góc phải đau đầu.

Ông Herbert S.Lin, chuyên gia mạng của Hội đồng nghiên cứu quốc gia thuộc Viện Khoa học quốc gia, cho hay: “Ở Mỹ đang nổ ra tranh luận lớn về việc sử dụng lực lượng hoặc một cuộc tấn công vũ trang trên không gian mạng. Chúng ta cần biết giới hạn cho phép để không vượt qua khi tiến hành các hành động tấn công trên không gian mạng chống lại các nước khác”. Hiện nay, Lầu Năm góc có nhiều quy định bảo vệ hệ thống máy tính như quyền tự vệ nhưng ranh giới giữa tự vệ và tấn công thật sự khó phân biệt rõ ràng.

Hay tham vọng bá chủ?

Theo một số nhà quan sát, việc Mỹ tuyên bố về đòn phủ đầu trên không gian mạng không đơn thuần chỉ là do số lượng các vụ tấn công mạng nhằm vào Mỹ tăng vọt trong thời gian qua mà còn xuất phát từ chiến lược kiểm soát thế giới thông qua Internet.

Nhà nghiên cứu Chen Baoguo thuộc Trung tâm Nghiên cứu phát triển của Trung Quốc cho rằng, từ lâu chiến lược kiểm soát thế giới thông qua kiểm soát mạng Internet đã trở thành một chiến lược chủ đạo của Mỹ. Từ việc bảo vệ cơ sở hạ tầng mạng dưới thời Clinton đến hoạt động chống khủng bố mạng dưới thời Bush và “chặn trước trên mạng” ở thời Obama, chiến lược an ninh thông tin quốc gia của Mỹ đã phát triển từ một chiến lược phòng vệ sang chặn trước.

Trong khi đó, phương pháp áp dụng chuyển từ việc kiểm soát phần cứng sang kiểm soát nội dung Internet. Mục đích cuối cùng của Chính phủ Mỹ là thiết lập khả năng mở và đóng một hoặc nhiều phần mạng Internet theo ý muốn.

Chuyên gia Chen Baoguo đã dẫn các mốc thời gian cụ thể để lý giải cho nhận định của ông về chiến lược an ninh mạng của Mỹ. Năm 1993, chính quyền Clinton đề nghị xây dựng “cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia” và liệt kê 6 kẻ thù tiềm năng có thể tấn công vào cơ sở hạ tầng của Mỹ, bao gồm các quốc gia có chủ quyền, đối thủ cạnh tranh kinh tế, cũng như các loại hình tội phạm, hacker, khủng bố và nội gián. Đó là chiến lược phòng vệ.

Sau vụ khủng bố 11-9-2001, chính quyền Bush chính thức nâng cấp an ninh mạng thành đỉnh cao chiến lược an ninh quốc gia. Chống khủng bố trở thành một chủ đề của an ninh mạng dưới thời Tổng thống Bush.

Năm 2004, Mỹ dùng máy chủ gốc chặn tên miền “dot.ly” khiến các tên miền của Libya biến mất trên Internet trong 3 ngày. Việc này tạo ra làn sóng chỉ trích trên thế giới vào thời điểm đó về sự bá chủ của Mỹ trên Internet và dấy lên lo ngại về an ninh mạng.

Mới đây, năm 2009, theo đánh giá của Tổng thống Obama về an ninh mạng, nguy cơ đối với mạng Internet đã trở thành một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất về kinh tế và quân sự Mỹ đang phải đương đầu. Obama đưa ra 2 quyết định quan trọng: Thứ nhất, cắt giảm vũ khí truyền thống, bao gồm các máy bay chiến đấu F22; thứ hai, thiết lập các bộ tư lệnh về mạng và tăng mạnh đầu tư cho các loại vũ khí tấn công trên mạng.

Tổng thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) thuộc LHQ Hamadoun Toure kêu gọi đưa ra một “hiệp ước không gian mạng” do quan ngại về một cuộc chiến tranh mạng có thể sắp xảy ra. Ông Toure chỉ ra rằng hoạt động của chính phủ các nước, các tổ chức tài chính, ngân hàng… đều gắn liền với Internet. Theo đó, chỉ cần một cuộc xung đột xảy ra, thiệt hại cho kinh tế và xã hội là không thể tính được.

Tới nay chiến lược an ninh mạng của chính quyền Obama được “tập trung vào việc tấn công và hỗ trợ chặn trước”. Hiện tại, 5 lĩnh vực cơ bản của hạ tầng Internet đều do các tập đoàn IT của Mỹ độc quyền, bao gồm siêu máy tính, hệ điều hành, công nghệ cơ sở dữ liệu, công nghệ chuyển mạng và thư viện nguồn thông tin.

Trên khắp thế giới, khoảng 92,3% máy tính cá nhân và 80,4% siêu máy tính sử dụng chip xử lý của Intel, trong khi 91,8% máy tính cá nhân sử dụng hệ điều hành của Microsoft và 98% công nghệ máy chủ lõi nằm trong tay của IBM và HP. Trong khi đó, 89,7% phần mềm cơ sở dữ liệu là do Oracle và Microsoft kiểm soát và 93,5% bằng sáng chế về công nghệ chuyển mạng do các tập đoàn Mỹ nắm giữ.

Sau khi kiểm soát cơ sở hạ tầng Internet và phần cứng, phần mềm, Mỹ đang chuyển hướng kiểm soát nội dung Internet. Chính phủ Mỹ đã sử dụng các chiến thuật kiểm soát vĩ mô và tài trợ tập trung nhằm chủ động sử dụng các tập đoàn công nghệ thông tin (IT) tạo ra một cơ sở hạ tầng Internet mà chính phủ có thể kiểm soát; chủ động khuyến khích các tập đoàn IT lớn tham gia kiểm soát nội dụng mạng.

Trong động thái mới nhất, Thượng nghị sĩ Joseph Lieberman, Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Mỹ - còn trình lên Quốc hội dự luật có tên “Bảo vệ không gian mạng như tài sản quốc gia”. Theo dự luật này, mỗi khi xảy ra tình huống khẩn cấp, Tổng thống Mỹ có thể ra lệnh Google, Yahoo và các bộ máy tìm kiếm thông tin trên mạng khác ngừng cung cấp dịch vụ.

Các nhà cung cấp dịch vụ Internet khác có trụ sở tại Mỹ cũng có thể bị đặt dưới sự kiểm soát của tổng thống mỗi khi xảy ra “tình huống khẩn cấp về an ninh Internet”. Như vậy, Tổng thống Mỹ sẽ chính thức có quyền mở hoặc đóng cửa mạng Internet, mặc dù không có điều luật quốc tế nào quy định về chủ quyền Internet, mạng trực tuyến vốn được tạo ra nhằm mang lại lợi ích cho nhân loại trên toàn thế giới. Nếu Mỹ, nước sáng tạo và kiểm soát mạng Internet, ngăn chặn hoặc đóng cửa mạng thông tin này với danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia, chắc chắn họ đã phớt lờ và vi phạm quyền và lợi ích của các “công dân mạng” quốc tế.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.