Theo bà Mai, số lượng lao động làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng đã giải quyết khá vững chắc việc làm hằng năm cho một bộ phận người lao động (khoảng 5% tổng số chỗ việc làm mới), lượng tiền chuyển về đã giúp cho người lao động và gia đình họ cải thiện đời sống; có nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh…
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập sau 3 năm thực thi Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, biểu hiện rõ nhất ở tình trạng người lao động, nhất là lao động nghèo, vẫn bị lợi dụng, lừa gạt bởi những cá nhân hoặc doanh nghiệp (DN) không có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).
Theo bà Mai, đây là vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội, chủ yếu xảy ra ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung, hầu hết nạn nhân là người lao động nghèo, thiếu thông tin, đi qua môi giới, trung gian.
“Hiện tượng này đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được ngăn chặn hiệu quả, trong đó có trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc tuyên truyền, phổ biến thông tin, chính sách, pháp luật tới người dân, cũng như việc phối hợp phổ biến cung cấp thông tin, đấu tranh xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật”, bà Mai nhấn mạnh.
Cũng theo báo cáo giám sát, vẫn còn tình trạng các DN vi phạm quy định về đăng ký hợp đồng cung ứng lao động, biểu hiện ở việc hợp đồng cung ứng lao động còn những nội dung chưa được bảo đảm theo quy định của pháp luật, không rõ ràng về nội dung, nhất là các khoản liên quan đến quyền lợi của người lao động.
Đặc biệt, theo bà Mai: “Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giành hợp đồng cung ứng lao động, gây thiệt hại cho người lao động vẫn xảy ra giữa các DN mà chưa có biện pháp xử lý hiệu quả… Vẫn còn tình trạng các DN dồn người lao động vào thế bị động khi ký kết hợp đồng ra nước ngoài làm việc”.
Cần công khai DN bị thu hồi giấy phép
Trong khi đó, công tác thanh kiểm tra và xử lý vi phạm được đánh giá chưa thực sự cương quyết. Một số quy định về thu hồi giấy phép, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này không được thực hiện.
Trên thực tế, chưa có DN nào bị thu hồi giấy phép theo quy định của Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; cũng chưa có trường hợp nào bị xử phạt vi phạm hành chính do người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài thực hiện theo quy định tại Điều 16, Nghị định 44 của Chính phủ.
Vì vậy, một trong những kiến nghị của Đoàn giám sát là tới đây, ngoài việc giám sát thường xuyên của Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm, kịp thời thông tin đầy đủ, công khai về DN bị thu hồi giấy phép hoạt động, kiên quyết thu hồi giấy phép của các DN không thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đặc biệt, phải khuyến cáo các thủ đoạn lừa đảo trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để địa phương và người dân chủ động phòng ngừa, ngăn chặn. Tăng cường hoạt động phòng chống tội phạm nhằm chấm dứt tình trạng lừa đảo với người lao động.
Theo báo cáo của Bộ Công an, thời gian qua đã điều tra, xử lý 137 vụ, khởi tố 186 bị can, xử lý hành chính 118 vụ với 133 đối tượng, đang tiếp tục điều tra 39 vụ với 88 đối tượng; tổng giá trị tài sản thiệt hại là 37,7 tỉ đồng và 1.450 USD với tổng số người bị hại trong các vụ án là 5.490 người. |
Bảo Cầm
Bình luận (0)