Những cuộc chơi ồn ào

15/09/2010 13:37 GMT+7

Những ồn ào quanh cuộc thi Thần tượng âm nhạc Việt Nam (Vietnam Idol) mấy ngày qua cho thấy các sân chơi âm nhạc đang rất cần một sự cải tiến mạnh mẽ về chất mới mong đáp ứng được sự mong mỏi của đông đảo khán giả.

Nhiều ý kiến phiền trách ban giám khảo Vietnam Idol đã xuất hiện trên các diễn đàn, mạng xã hội. Thử so sánh qua ba mùa thi, dường như so với thời Hà Dũng, Tuấn Khanh hay Trần Mạnh Tuấn, Hồ Hoài Anh, lượng kiến thức chuyên môn mà các giám khảo Vietnam Idol 2010 cung cấp cho thí sinh khá ít ỏi.

Lẽ ra, ở vị trí của ba chuyên gia được chọn lựa, các vị giám khảo nên đưa những chỉ dẫn hàm súc, thiết thực hơn cho thí sinh trên hành trình chinh phục giấc mơ hoặc để đừng nuôi ảo tưởng.

Đã quá nhiều lời than phiền về kiểu nhận xét như “Em nên bốc lửa hơn”, “Em nên rèn luyện nhiều hơn”, nhưng một lý do thuyết phục cho câu “Em nên đi làm việc khác” cũng là điều cần thiết.

Trong số rất rất nhiều thí sinh dự thi có một lượng không nhỏ không dám mơ chiến thắng mà chỉ mong được một lần thể hiện trước ban giám khảo để được nghe những đánh giá chí tình, để biết mình là ai và nên làm sao cho tốt. Ích gì cho họ khi nhận “lời khuyên”: “Tôi thấy em chưa được”?

Về thí sinh, phải công bằng nhìn nhận là chất lượng thí sinh của mùa thần tượng âm nhạc không cao. Không ít bạn trẻ tham gia chỉ với hành trang duy nhất là sự “tự tin đến phát sợ” về khả năng của mình bất chấp thực tế. Những bạn khác cố gắng diễn trò với hi vọng các món tài lẻ sẽ giúp mình vào vòng trong mà quên mất mình đang thi hát. Chỉ 96 vé vàng được phát ra thay vì 100 là con số đáng quan tâm khi biết có hơn 25.000 người đã không qua nổi vòng sơ loại. Chịu đựng được ngần ấy màn biểu diễn với nhiều “thảm họa âm nhạc”, công việc của bộ ba cầm cân nảy mực thật chẳng dễ dàng.

Suy cho cùng, Thần tượng âm nhạc Việt Nam hay một số cuộc chơi mang danh thi hát khác cũng chỉ là những show truyền hình với mục đích quan trọng là quảng bá thương hiệu cho nhà tài trợ. Bằng chứng là các ngôi sao, thần tượng gần đây chưa hề cho thấy khả năng vượt trội của mình trong thị trường khắc nghiệt. Trong các show diễn đó, cả giám khảo, thí sinh đều đang cố diễn cho tròn vai theo định dạng có sẵn. Không ai cấm giám khảo bỏ ra ngoài khi thí sinh đang hát bởi luật chơi của “game show” này là như vậy - thử thách bản lĩnh đến tận cùng.

Thống kê sơ bộ trên truyền hình - riêng với các cuộc thi hát, chúng ta hiện có quá nhiều cuộc chơi: từ Ngôi sao tiếng hát truyền hình, Tiếng ca học đường của HTV đến Sao mai, Sao mai - điểm hẹn trên sóng VTV. Đó là chưa kể những cuộc thi của các đài địa phương, trên sóng phát thanh, thậm chí của riêng các doanh nghiệp giải trí.

Thế nhưng trái ngược hẳn với mong muốn của nhà tổ chức lẫn công chúng, số lượng các cuộc thi không tỉ lệ thuận với số tài năng tìm được. Nhiều năm qua, bạn yêu nhạc đang dần phải chấp nhận thực tế rằng nhiều cuộc thi hát chỉ là những cuộc chơi và các danh xưng như “Thần tượng”, “Ngôi sao” đang được trả về đúng giá trị - người chiến thắng trong một show truyền hình, không nhất thiết sẽ là ngôi sao hay thần tượng của khán giả trong đời sống thực.

Ở các cuộc thi của thế giới như American Idol, Britain’s got talent, X-Factor… giám khảo cũng “chặt chém” thí sinh y như thế nếu không muốn nói là còn kinh khủng hơn. Các chương trình dạng này là “TV show” - càng nhiều trò, càng nhiều phản ứng, nhiều ý kiến càng tốt vì điều đó tỉ lệ thuận với số khán giả xem chương trình, giúp nhà tài trợ hài lòng. Song điều quan trọng nằm ở thái độ nhận xét và cái tâm của mỗi người.

Điều này cần cá tính mạnh mẽ, trình độ và cả kinh nghiệm. Ví dụ Simon Cowell vốn nổi tiếng “dã man” từng thẳng thừng nói với thí sinh Emma Czikai đến mức bị bà kiện sau đó: “Đó là một bài hát đẹp nếu… bà không hát nó”, rằng “Giọng hát của bà thật kinh khủng”. Tuy nhiên cũng chính ông đã vào tận cánh gà đưa một cô bé quay trở lại sân khấu lè lưỡi trêu tức giám khảo Piers vì “tội” nhấn chuông ngắt phần thi của bé khiến bé khóc.

Ở đây có một sự khác biệt trong văn hóa Đông - Tây. Xứ ta, với thói quen “vui vẻ cả làng”, chưa chấp nhận những kiểu “chặt chém” thẳng thừng thế này. Lạ lùng là với những cuộc thi tròn trịa, an toàn thì cũng chính khán giả lại kêu than về sự nhàm chán, tẻ nhạt của chúng. Đây là mâu thuẫn chính trong các cuộc thi kiểu Idol ở xứ Việt. Mâu thuẫn còn đến từ một bộ phận khán giả khi họ kêu gọi tẩy chay, nhưng lại chăm chăm chú ý mọi động tĩnh của chương trình.

Vietnam Idol non trẻ vừa bước vào tuổi lên ba. “Thần tượng” hay “Ngôi sao” hay gì đi nữa cũng đang dần được chấp nhận rằng đó chỉ là danh xưng của những cuộc chơi trong các chương trình của nhà đầu tư. Rõ ràng so với Ngôi sao tiếng hát truyền hình hay Tiếng ca học đường thì Thần tượng âm nhạc Việt Nam tỏ ra sinh động hơn. Nhưng sinh động thôi có đủ khi khán giả vẫn đang nuôi hi vọng rằng các cuộc thi hát sẽ tìm được cho họ những ngôi sao thật sự có khả năng, thay vì trò “mua vui cũng được một vài trống canh…” và để thỏa mãn nhà tài trợ.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.