Tăng cường chống tiêu cực trong xuất khẩu lao động

15/09/2010 00:07 GMT+7

Tại phiên họp chiều 14.9, Ủy ban TVQH đã tập trung thảo luận về báo cáo kết quả giám sát "việc tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng".

Báo cáo kết quả giám sát cho biết, sau 3 năm thực hiện Luật đưa người lao động VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, số lượng lao động làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng đã giải quyết khá vững chắc việc làm hàng năm cho một bộ phận người lao động (khoảng 5% tổng số chỗ việc làm mới)… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại trong lĩnh vực này, điển hình là tình trạng người lao động, nhất là lao động nghèo, bị lợi dụng, lừa gạt bởi những cá nhân hoặc doanh nghiệp (DN) không có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ).    

Là người đầu tiên mở màn cho cuộc hỏi - đáp giữa các thành viên Ủy ban TVQH với đại diện Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình đề nghị làm rõ vì sao việc cấp giấy phép không tập trung vào một số DN có đủ năng lực, khả năng tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài vì trên thực tế, có DN cả năm chỉ đưa trên dưới 100 lao động đi làm việc. Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng yêu cầu phải làm rõ ai chịu trách nhiệm khi người dân bị lừa đi XKLĐ.

Bộ trưởng LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân thừa nhận tình trạng lao động bị lừa đảo do môi giới là có thật, xuất phát từ việc tuyên truyền chủ trương, chính sách về lĩnh vực này chưa tốt; các trường hợp lừa đảo tập trung vào các cá nhân, DN không được cấp phép, không có chức năng đưa người đi làm việc tại nước ngoài. Cũng theo Bộ trưởng Ngân, trong số DN được cấp phép, có một bộ phận năng lực kém, đưa người lao động đi nhưng thiếu trách nhiệm với người lao động. Các trường hợp này đều đã bị nhắc nhở. Riêng việc rút giấy phép, Bộ trưởng giãi bày: "Đúng là có DN mỗi năm chỉ đưa được 100 - 200 lao động đi nhưng thu hồi giấy phép là rất khó vì phải làm theo luật".

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng nên sàng lọc, rút bớt giấy phép trong số 167 DN đã được Bộ cấp phép. "Những DN một năm chỉ đưa được dưới 100 lao động đi làm việc ở nước ngoài thì giữ làm gì", ông Phước nói và đề nghị phải công khai, minh bạch các quy định, trình tự thủ tục người đi lao động ở nước ngoài để người dân biết mà thực hiện.

Đồng quan điểm, ông Lê Quang Bình cũng cho rằng phải đánh giá, rà soát lại 167 DN được cấp phép dựa trên các tiêu chí được cấp phép quy định rất cụ thể trong Luật đưa người VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vì đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. "DN nào không đủ điều kiện phải kiên quyết rút giấy phép. Phải tăng cường chống tiêu cực để ngăn chặn tình trạng nhiều lao động bị cò mồi, kể cả DN lừa, lợi dụng", ông Bình nhấn mạnh.

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.