Tất cả các giường bệnh tại Khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) đã chật kín bệnh nhân.
Trong ngày 16.9, Khoa Nhiễm của bệnh viện đang điều trị nội trú cho 117 bệnh nhi mắc SXH, trong đó có 12 trường hợp bệnh đã chuyển sang độ 3, độ 4, là cấp độ nguy hiểm.
Theo số liệu từ Phòng kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện Nhi đồng 2, chỉ tính trong hai tuần đầu tháng 9 đã có 555 trường hợp bệnh nhi đến khám được xác định mắc SXH. Trong số đó, 254 trường hợp phải nhập viện. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận thêm từ 15 - 30 trường hợp SXH mới.
Không chỉ điều trị cho các bệnh nhi ở TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng "gánh" thêm số bệnh nhi từ các tỉnh chuyển về, chiếm khoảng 30% số ca SXH đang điều trị tại bệnh viện.
Tình hình bệnh nhi nhập viện do SXH cũng đang quá tải tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM). Hiện bệnh viện đang điều trị nội trú cho 143 bệnh nhi bị SXH, trong đó 30 trường hợp đã có các biến chứng liên quan đến hô hấp, 10 trường hợp SXH độ 3, độ 4 đang được cấp cứu.
Cũng như Bệnh viện Nhi đồng 2, số lượng bệnh nhi bị SXH từ các tỉnh chuyển về Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đang tăng cao, chiếm tỉ lệ hơn 50%.
Bác sĩ Vũ Quang Vinh, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết đang là mùa mưa nên số ca SXH gia tăng nhanh. Đỉnh dịch SXH thường rơi vào tháng 9. Đặc biệt, các trường hợp bệnh rơi nhiều vào trẻ em ở các quận, huyện có nhiều kênh rạch gây ao tù, nước đọng như Q.8, Q.Bình Thạnh, Q.Tân Bình, Q.Bình Tân, Q.Thủ Đức, huyện Nhà Bè…
"Để phòng bệnh SXH, các gia đình nên dọn dẹp làm thông thoáng nhà cửa, loại bỏ các vật chứa nước tạo ao tù, nước đọng để không cho lăng quăng phát triển, sử dụng thuốc diệt muỗi và nên ngủ mùng kể cả ban ngày để phòng muỗi chích", bác sĩ Vinh nhắc nhở.
* Bênh cạnh đó, sau một thời gian tạm lắng. Bệnh tả cũng đang xuất hiện trở lại. Trong ngày 16.9, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã xác định một trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả đang được điều trị tại bệnh viện.
Bệnh nhân là N.T.K, 39 tháng tuổi, ngụ tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Ngày 13.9, bé K. ăn canh rau muống và có triệu chứng nôn ói liên tục, tiêu chảy hơn mười lần mỗi ngày. Sau đó, bệnh nhi được nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM ngày 14.9 trong tình trạng mệt, lừ đừ, mắt lõm sâu, mất nước nặng.
Sau khi được điều trị, bệnh nhi đã hết tiêu chảy, còn nôn ói vài lần/ngày nhưng tình trạng sức khỏe đã ổn định.
Theo các bác sĩ, để phòng bệnh, người dân nên ăn chín uống sôi, chọn thức ăn tươi, có nguồn gốc rõ ràng, giữ vệ sinh cá nhân và môi trường tốt. Khi thấy trẻ có triệu chứng tiêu chảy nhiều, phân trắng đục thì phụ huynh phải đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt để điều trị, tránh mất nước.
Bệnh tả nguy hiểm nhất là do làm bệnh nhân mất nước quá nhanh, dẫn trụy tim mạch và tử vong.
Nguyên Mi
Bình luận (0)