Đứng trên con đê có tên Đê Mới (được đắp từ năm 1978), phóng tầm mắt ra phía đông, trước mắt chúng tôi là một vùng bạt ngàn bần, phi lao, ao, hồ đầm lóng lánh ánh mặt trời. Gió biển lồng lộng thổi tung những con sóng trắng xóa đập vào rặng cây chắn sóng, dềnh lên ngấp nghé bờ bao của những ao tôm, ao cua đang thời kỳ thu hoạch. Hằng năm, nguồn lợi thủy sản của vùng này mang về cho người dân Tiên Lãng vài chục tỉ đồng, nhưng nguồn thu đó không bền vững.
Anh Nguyễn Tiến Quân ở xã Vinh Quang, Tiên Lãng đang bì bõm xắn từng tảng đất bờ cho ao tôm rộng chừng 200 m2, chỉ vào bờ bao cao đến thắt lưng, anh Quân nói: “Bây giờ chưa có đê, ai muốn nuôi trồng thủy sản thì tự đắp bờ bao cho nhà mình, do đó chi phí rất tốn kém mà chúng tôi lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, chỉ cần bão vào mà chưa thu hoạch kịp là coi như mất trắng”. Ở ao nuôi cua kế bên, chị Lê Thị Thoa vẫn chưa quên được trận bão năm ngoái, khi cua nhà chị đã được tới 3-4 lạng/con, nhưng sóng lớn đã thổi bay dăm chục mét bờ bao, cua ra biển hết. Trắng tay. Chị vật vã khóc trước con nước đục ngầu mà lòng như xát muối. Chị Thoa rầu rầu: “Nếu Nhà nước làm con đê lớn như đê kia - chị chỉ vào con đê nơi chúng tôi vừa đứng, trong đó có cống đưa nước ra nước vào để dân nuôi tôm, cua thì bà con yên tâm lắm”.
Có đê, sinh 4 xã
Con đê nơi chúng tôi đứng được đắp từ năm 1978, với chiều dài chừng 15 km do mồ hôi, công sức của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ bộ đội và nhân dân đào đắp. Kết quả là sau lần lấn biển năm ấy, 4 xã với gần 20 ngàn hộ dân đã được hình thành. Những cái tên xã như Tây Hưng, Đông Hưng, Tiên Hưng, Nam Hưng được điền thêm lên bản đồ huyện Tiên Lãng, bản đồ TP Hải Phòng đánh dấu sự nghiệp lấn biển của ông cha ngàn đời đang được lớp cháu con tiếp nối.
“Dự kiến bỏ ra 500 tỉ để thu về 5.000 ha đất, như vậy suất đầu tư cho mỗi ha đất có 100 triệu đồng, một con số quá rẻ”, ông Vũ Minh Đức, nguyên Bí thư Huyện ủy Tiên Lãng. |
Đồng tình với ông Thanh, ông Trần Văn Nam, 70 tuổi ở gần đó góp câu chuyện: “Trước kia, quan huyện, quan tỉnh là phụ mẫu của dân, phải biết bảo vệ dân, tập hợp sức dân để đấu tranh với thiên nhiên, mở mang bờ cõi, cứ vài chục năm lại có kỳ đắp đê lấn biển. Hơn 30 năm qua, ở đây vẫn chưa quai đê lần nào, bây giờ, giá mà có cái đê biển lớn thì nhân dân chúng tôi được nhờ”.
Con đê 500 tỉ và 5.000 ha đất
Ông Vũ Minh Đức, nguyên Bí thư Huyện ủy Tiên Lãng, chỉ vào tấm bản đồ thành phố mà ông đã thuộc đến từng tên thôn, tên xã: “Gần chục năm nay, chúng tôi lo lắng, trăn trở với con đê lấn biển, giờ thì sắp có kết quả rồi nhà báo ạ”, nói rồi ông lấy ra công văn số 82921 đề ngày 23.11.2009 của Văn phòng Chính phủ, trong đó truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng với nội dung đồng ý về mặt chủ trương cho TP Hải Phòng lập quy hoạch, chọn tuyến quai đê lấn biển. Vậy là sau hơn 1 năm trời khảo sát, rồi đích thân ông Đức soạn thảo văn bản gửi thành phố và làm việc với các bộ ngành để giờ đây, những nỗ lực ấy đã được đền đáp khi Chính phủ đồng ý về chủ trương tạo tiền đề cho một dự án lớn nhất vùng biển Tiên Lãng.
|
Ông Đức kể rằng từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi làm giám đốc công ty thủy sản thành phố, ông đã thông thuộc từng con lạch ở vùng biển Tiên Lãng này. Ông đưa chúng tôi lội bì bõm lên vùng sình lầy để ra sát rừng bần chắn sóng. “Nếu làm đê, chúng tôi sẽ kiến nghị giữ lại rừng bần chắn sóng để bảo vệ thân đê, con đê mới sẽ cách đê cũ chừng 5 km”, ông Đức giải thích. Để khảo sát dự án này, suốt 3 năm qua, ông Đức khi còn là bí thư huyện ủy, ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện cùng các cán bộ trong ban thường vụ huyện ủy đã lội xuống vùng này cả trăm lần.
Ông Đức nói chân chất, thật thà, trong đôi mắt ông ánh lên hi vọng khi nhìn về phía biển, ông cũng như người dân Tiên Lãng, người dân Hải Phòng hi vọng về sự lột xác của vùng quê nghèo một năm thu về chưa đầy bốn chục tỉ tiền thuế. Ông nguyên Bí thư huyện ủy kể: “Cách đây vài tháng, có một đoàn khách từ Thụy Sĩ làm việc với huyện để bày tỏ nguyện vọng lập dự án xin 1.000 ha làm khu đô thị nghỉ dưỡng, khu công nghệ sạch ven biển và trung tâm văn hóa châu u ở vùng đất mới. Bây giờ huyện chỉ cần xin cơ chế, chủ trương, còn việc thực hiện đã có rất nhiều phương án tìm kiếm vốn. Thời điểm này có được 1.000 ha đất ở vùng đồng bằng là quý lắm, nhất là sau này Tiên Lãng sẽ có sân bay quốc tế thì kinh tế càng có điều kiện phát triển”.
Lôi chiếc máy tính ra, ông Đức làm một phép tính đơn giản: “Ta cần làm một con đê biển dài 20 km, cao 5,5m, chân đê rộng 30m, mặt đê 7m tốn khoảng 500 tỉ đồng, đổi lại sẽ được 5.000 ha đất, vậy 1 ha chỉ mất có 100 triệu đồng. Cái giá quá rẻ so với thời điểm tấc đất tấc vàng như hiện nay”.
Ông Đức hồ hởi: “Cái mừng là tâm nguyện của dân Tiên Lãng cũng được sự đồng tình của các đồng chí lãnh đạo thành phố. Cách đây vài tháng, ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND thành phố đã lội bùn về vùng phù sa, rồi triệu tập họp ngay tại huyện để quyết phương án khảo sát, làm báo cáo gửi Thủ tướng. Chính phủ cũng đã đồng ý về chủ trương và giao các bộ ngành cùng khảo sát thực địa. Không lâu nữa sẽ có một Ban chỉ đạo thực hiện dự án quai đê lấn biển. Biển sẽ bị đẩy xa chừng 4-5 km và chúng tôi sẽ có trên 5.000 ha đất tiến ra biển. Vùng đất mới sẽ như một con tàu vươn mình ra biển để kéo cả vùng Tiên Lãng của Hải Phòng bật lên, người dân thoát nghèo, nhiều người có thể làm giàu trên vùng đất mới”.
Káp Long- Hải Sâm
Bình luận (0)