Dân chủ thực sự thì phải có tranh cử

18/09/2010 01:33 GMT+7

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH, ông Vũ Mão (ảnh) bày tỏ quan điểm trên khi trả lời Báo Thanh Niên về chủ trương thí điểm bầu trực tiếp chức danh bí thư theo Chỉ thị 37 của Bộ Chính trị.

* Việc thí điểm bầu trực tiếp bí thư tại Đại hội (ĐH) Đảng bộ các cấp cơ sở và một số tỉnh, thành mới đây được nhận định là bước đột phá trong tiến trình thực thi dân chủ. Ông nghĩ sao về ý nghĩa của chủ trương này?

- Ý tưởng đổi mới, cải tiến bầu cử rất cần thiết. Ý tưởng tốt nhưng việc tổ chức như thế nào để chủ trương đó đi vào thực chất lại là vấn đề tiếp tục thảo luận. Theo tôi hiểu thì bầu cử trực tiếp là một việc làm rất quan trọng trong tiến trình dân chủ, mà tiến trình dân chủ thì không phải là sự áp đặt. Nếu đưa ra một người để bầu, bảo có áp đặt không thì có người nói không vì người ta chỉ giới thiệu một người thôi, nhưng những người lãnh đạo có trách nhiệm cần khơi dậy được sự tranh cử. Cái hay của chúng ta là nếu một đảng mà tạo ra sự tranh cử - tranh cử lành mạnh - thì sẽ rất hiệu quả.

Năm 1988, khi đồng chí Phạm Hùng (Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - HĐBT lúc đó) đột ngột mất, khi tổ chức bầu Chủ tịch HĐBT mới, Trung ương thông qua Hội đồng Nhà nước báo cáo giới thiệu một đồng chí thôi. Đến khi ra Quốc hội, các ĐBQH nói cần đổi mới, dân chủ nên đề nghị phải có thêm ứng cử viên nữa. Cuối cùng, thắng lợi ở chỗ đưa được hai ứng cử viên để lựa chọn chức danh Chủ tịch HĐBT, mà không phải đưa “đệm” đâu, hai ứng cử viên đều xuất sắc cả. Kết quả là người định chọn vẫn trúng mà ta vẫn đạt được ý nghĩa tốt về phương thức thực hiện. 

* Nhưng thưa ông, phải làm thế nào để khơi dậy tranh cử và khuyến khích việc mạnh dạn ứng cử, trong khi việc này ở ta vốn chưa có tiền lệ?

- Đã là dân chủ thực sự thì phải có tranh cử. Nên khuyến khích tranh cử; khuyến khích vượt qua tâm lý e ngại, khách khí; bởi nếu không có chủ trương, khi giới thiệu đồng chí A thì đồng chí B nhất định từ chối vì vẫn nghĩ mình khó thể trúng cử. Tình huống tiếp nữa là làm sao để người tham gia tranh cử không còn lo sau này mình bị đánh giá về ý thức kỷ luật, ví dụ như, Đảng chỉ giới thiệu một người mà mình còn tiếp tục ở lại, không chịu rút... 

* Nhưng để có nhiều ứng viên cùng tranh cử như ông nói, có nhất thiết phải có sự chuẩn bị công phu về nhân sự nguồn từ trước khi bầu hay không, thưa ông?

- Chuẩn bị cũng là một cách nhưng trong thực tiễn cuộc sống cũng sẽ nảy sinh những người đủ năng lực, trí tuệ, phẩm chất để gánh vác các trọng trách mà không phải cứ định sẵn, chuẩn bị sẵn mới có được. Điều quan trọng nhất vẫn là phải đổi mới cơ chế bầu cử, đổi mới cơ chế nhân sự, vốn là yếu tố rất quan trọng trong đổi mới đất nước, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong đổi mới các hoạt động của đất nước, cơ bản nhất vẫn là dân chủ. Nói công khai minh bạch thì phải có dân chủ mới công khai minh bạch được. Một vấn đề rất quan trọng là dân chủ trong bầu cử, tuyển chọn nhân sự, tuyển chọn những người lãnh đạo cho đơn vị, cho cơ sở và cho đất nước. Tuy nhiên, không thể làm điều gì mang tính đột biến mà không lường trước được vì có thể dẫn tới hậu quả rất nghiêm trọng, cho nên phải thí điểm, có bước đi thận trọng.

* Các dự thảo văn kiện ĐH XI vừa được công bố để lấy ý kiến toàn dân. Ông có suy nghĩ hay kiến nghị gì liên quan đến việc phát huy dân chủ như nội dung dự thảo Cương lĩnh đã đề cập?

- Trong đổi mới chính trị, tôi nghĩ vấn đề cốt lõi nhất là dân chủ. Chúng ta hoàn toàn thống nhất một Đảng lãnh đạo. Chúng ta muốn tạo ra cơ chế dân chủ và cũng đang hết sức cố gắng nhưng theo tôi, tầm mức cần nâng lên thêm nữa. Dân chủ là phải có nhiều tiếng nói và phải chấp nhận nhiều tiếng nói. Phải công phu hơn trong dân chủ, từ dân chủ trong hoạch định chính sách, dân chủ trong chỉ đạo thực hiện, dân chủ trong nhân sự, trong đó có vấn đề bầu cử trực tiếp các chức danh trong Đảng.

Các dự thảo văn kiện lần này đã được chuẩn bị khá công phu. Việc công bố để cho nhân dân góp ý kiến thế này là tốt. Tuy nhiên, tôi cũng có băn khoăn là phương thức, cách thức để lắng nghe, tiếp thu ý kiến như thế nào cho hiệu quả nhất vì ý kiến đóng góp phong phú lắm.

Nguyệt Minh (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.