Chắc chắn việc phê chuẩn nó ở Thượng viện sẽ khó khăn hơn nhiều, nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ đang tới gần, nhưng khả thi nhiều hơn là không khả thi.
Hiệp ước này được Tổng thống Mỹ Barack Obama xem là tâm điểm của chính sách an ninh, giải trừ hạt nhân và quan hệ với Nga. Việc phê chuẩn nó sẽ là thắng lợi quan trọng của ông Obama nhưng chắc chắn nó sẽ nhận sự “chăm sóc đặc biệt” từ đảng Cộng hòa. Sẽ có không ít nhà lập pháp Cộng hòa chống đối START II, nhưng không hẳn tất cả các vị thượng nghị sĩ thuộc đảng này sẽ bác bỏ nó. Bằng chứng là trong Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện đã có 3 thành viên đảng Cộng hòa tán đồng phê chuẩn hiệp ước.
Mỹ có lợi ích chiến lược to lớn và lâu dài trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân với Nga nói chung cũng như trong việc thúc đẩy quan hệ với nước này nói riêng. Thời nay, tác dụng của vũ khí hạt nhân và cả nguy cơ về loại vũ khí hủy diệt này đã khác cơ bản so với trước. Để giải quyết những vấn đề mới liên quan đến vũ khí hạt nhân và an ninh hạt nhân, Washington và Moscow cần hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau chứ không phải đối đầu, đối địch, răn đe dọa dẫm nhau. Các vị nghị sĩ đảng Cộng hòa biết rất rõ điều này nhưng còn làm mình làm mẩy để thể hiện trước cử tri. Quá trình phê chuẩn hiệp ước này như thể đã qua được mọi ghềnh, chỉ còn chờ vượt cái thác cuối cùng thôi.
La Phù
Bình luận (0)