Cuộc chiến mì lát

21/09/2010 06:26 GMT+7

Có tới 90% lượng khoai mì xuất khẩu của VN vào Trung Quốc. Tuy nhiên, do quá phụ thuộc vào thị trường này nên nhiều doanh nghiệp VN bị đối tác “lật kèo”, ép giá.

Các nhà máy đường ở Tây Ninh, Đồng Nai cũng như khu vực miền Trung than phiền gần đây họ bị “mất” đất trồng mía hàng chục ngàn hecta do người dân chuyển sang trồng khoai mì (sắn) để bán cho các doanh nghiệp (DN) chế biến tinh bột cũng như sản xuất cồn trong nước. Đồng thời, thương lái Trung Quốc (TQ) cũng nhảy vào tranh mua. 

Bán khoai mì “non”
 
Lãnh đạo nhiều nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết trước đây, nguyên liệu mì đưa vào sản xuất thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 30%-40% nhưng từ đầu năm đến nay, giá mì lát tăng quá cao lại ít hàng nên họ phải chuyển sang sử dụng nguyên liệu khác thay thế. Ông Chung Kim, Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi và Chế biến thức ăn gia súc Kim Long (Bình Dương), than: Giá mì lát trước đây chỉ 2.000 đồng/kg nay đã tăng lên 4.800 đồng/kg cũng không có hàng. Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN, cho rằng với giá mì lát cao như vậy, không thể nào đưa vào chế biến thức ăn chăn nuôi được nên các đơn vị phải chuyển sang dùng cám gạo để có chi phí thấp hơn...
 
Theo giới kinh doanh, sở dĩ giá mì tăng cao là do nhiều nhà máy sản xuất cồn ethanol đã và đang chuẩn bị đi vào hoạt động tại Đồng Nai, Bình Phước, Bình Định, Quảng Ngãi... nên nhu cầu mua mì làm nguyên liệu tăng cao. Chưa kể nhiều nhà máy sản xuất tinh bột, bột ngọt cũng đang cần một lượng rất lớn nguyên liệu mì để chế biến. Thực tế đang có nhiều đơn vị “đói” nguyên liệu do chỉ mua được khoảng 50% nhu cầu... Tình trạng càng trở nên căng thẳng hơn do gần đây, thương nhân TQ liên kết với một số đơn vị trong nước săn lùng mì ráo riết. Trước đây, mì lát khô phải đáp ứng độ khô, phẩm chất tốt, không bị ẩm mốc mới bán được còn hiện tại, khoai mì mốc, khoai mì tươi (chưa xắt lát) họ cũng mua hết. Nhiều nhà máy sản xuất cồn của TQ đã được xây dựng sát biên giới với VN để thuận tiện vận chuyển nguyên liệu.
 
Do tranh mua, tranh bán nên ngày càng hiếm hàng, thế là thương lái tìm vào tận các rẫy mì để mua “non” với giá từ 30 triệu- 40 triệu đồng/ha, tùy chất lượng, trong khi nếu khoai mì trồng đủ ngày, đủ tháng, giá phải từ 60 triệu- 80 triệu đồng/ha...
 
Coi chừng bị ép giá
 
Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp tinh bột TQ, hằng năm, TQ cần tới 6 triệu tấn cồn nhiên liệu ethanol, trong khi vùng nguyên liệu mì trong nước của TQ chỉ có thể sản xuất khoảng hơn 1,2 triệu tấn. Những năm gần đây, nước này nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn mì lát/năm, chủ yếu từ VN và Thái Lan để phục vụ cho 150 nhà máy sản xuất tinh bột mì...  Đây là thị trường rất lớn cho cây mì VN. Tại hội thảo “Chương trình phát triển ngành mì lát giữa VN và TQ” vừa được tổ chức vào đầu tháng 9 tại TPHCM, một đại diện Bộ Công Thương cho biết: Thống kê cho thấy có hơn 90% sản lượng khoai mì của VN được xuất bán sang TQ mỗi năm...
 
Thế nhưng, theo nhiều DN xuất khẩu khoai mì trong nước, do quá phụ thuộc vào thị trường này nên đã nhiều lần bị đối tác “lật kèo”, ép giá ngay tại cửa khẩu. Họ thường dùng “chiêu” đẩy giá khoai mì lên cao để lôi kéo nhiều người thu mua mì “đánh” xe chở hàng ùn ùn lên biên giới. Sau đó, một số đối tác tìm cách “lật kèo”, ép giá dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng tại cửa khẩu.
 
Chở hàng về cũng không xong do tốn nhiều chi phí nên nhiều trường hợp DN trong nước phải chấp nhận bán tháo giá rẻ. Tình trạng này cứ diễn ra liên tục. Năm ngoái, đã có lúc khoảng 2.150 tấn tinh bột khoai mì của một số DN bị dội hàng tại biên giới. Do bị ép giá quá nặng, các DN này không chịu bán mà cố cầm cự ba, bốn tháng để thương lượng nhưng rốt cuộc cũng đành “chào thua”...

Sẽ cạnh tranh quyết liệt hơn

Ông Lê Xuân Dương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), cho biết vài năm gần đây, cây mì trở nên có giá nhờ xuất khẩu. Hiện nhiều nước tìm mua sản phẩm mì lát và tinh bột mì để sản xuất ethanol chế xăng sinh học, cồn công nghiệp, chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, sử dụng trong công nghiệp hóa chất, dược phẩm... Do đó, Bộ Công Thương đang có chương trình đưa các sản phẩm mì lát trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực.
 
Theo thống kê từ Bộ NN-PTNT, hiện cả nước có 500.000 ha trồng mì, tổng sản lượng thu hoạch mỗi năm khoảng 8,6 triệu tấn, trong đó có hơn 4 triệu tấn mì củ dùng để xuất khẩu dưới dạng tinh bột hoặc mì lát khô. Hiện cả nước có gần 60 nhà máy chế biến tinh bột mì có quy mô công nghiệp với tổng công suất chế biến mỗi năm hơn nửa triệu tấn tinh bột. Cuối năm nay sẽ có thêm 5 nhà máy sản xuất chế biến cồn sinh học từ nguyên liệu mì đi vào hoạt động rất dễ dẫn đến tình trạng cạnh tranh nguyên liệu giữa các DN trong và ngoài nước.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.