Tai nạn bất ngờ ở trẻ em

22/09/2010 10:09 GMT+7

Khi tai nạn sinh hoạt xảy ra bất thình lình với trẻ, những ông cha bà mẹ thường rơi vào tâm trạng sốc, khủng hoảng. Sau đó họ luôn dằn vặt, hối hận vì sự vô ý của mình có thể làm con trẻ tử vong do những bất cẩn rất nhỏ.

Khổ vì... ăn

Đầu tháng 9 Bệnh viện Nhi T.Ư tiếp nhận bệnh nhân Vũ M. (6 tháng tuổi, Hà Nội) trong tình trạng tím tái, khó thở. Nguyên nhân được xác định là do bé quấy đêm, mẹ cho bú trong khi bé gà gật ngủ, lượng sữa tiết ra nhiều bé không nuốt kịp dẫn đến sặc rồi ngạt thở.

Với kinh nghiệm của một bác sĩ làm việc lâu năm tại khoa cấp cứu, TS Lê Thanh Hải, phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, cho hay ngạt, sặc dị vật là tai nạn nguy hiểm, được cảnh báo không ít, nhưng đáng tiếc vẫn xảy ra phổ biến và phần lớn đều là những ca cấp cứu nguy hiểm. Mỗi năm bệnh viện tiếp nhận 70-80 trường hợp ngạt, sặc, hóc dị vật từ đường ăn chui lạc vào đường thở.

Theo TS Lê Thanh Hải - phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, ban đêm muốn cho trẻ bú, bà mẹ nên ngồi dậy ngay ngắn, bế trẻ bằng hai tay và đặt trẻ ở tư thế thoải mái. Việc tạo thói quen cho trẻ vừa ăn vừa ngủ rất nguy hiểm vì khi đó sữa vẫn chảy nhưng trẻ không nuốt, khi thở mạnh có thể hít sữa lên mũi, gây tắc đường hô hấp.

Còn bé T.T.A. (4 tuổi, Hà Nam) lại có một hành trình chữa bệnh vòng vèo qua nhiều bệnh viện. Bé được chẩn đoán hen phế quản rồi viêm phổi, áp xe phổi mà bệnh tình không thuyên giảm. Đến Bệnh viện Nhi T.Ư mới được chẩn đoán hội chứng xâm nhập do dị vật đường ăn chui nhầm vào đường hô hấp. Trước đó A. bị hóc đậu phộng nhưng không biểu hiện bệnh lý nặng nên người nhà bỏ qua. Sau một thời gian bé thường xuyên bị viêm đường hô hấp mãn tính, tái đi tái lại, đường thở bị hẹp dần, ngáy và thở ran rít.

Chính hạt đậu phộng chui vào đường hô hấp bị mủn do ngấm nước sinh ra biến chứng nguy hiểm này.

Riêng tại Bệnh viện Tai mũi họng T.Ư, các loại dị vật từng chui vào đường thở gây tai biến cho bệnh nhân, chuyển viện cấp cứu được các bác sĩ cẩn thận cất giữ trong tủ kính, làm thành “bộ sưu tập” khá đặc biệt.

Chỉ vào tủ sưu tập các loại dị vật, thạc sĩ Hoàng Đình Ngọc - phó giám đốc bệnh viện - buồn rầu: “Trong hơn 100 dị vật lưu lại đây, đáng tiếc chưa có một loại dị vật trẻ thường bị hóc là thạch. Thú thật, bệnh viện chưa cứu sống được trường hợp nào hóc dị vật này...”.

Theo bác sĩ Ngọc, thạch là loại dị vật có khả năng biến hình do cấu trúc uốn dẻo, bề mặt trơn nhẵn nên rất khó gắp ra. Biện pháp dự phòng tốt nhất là không cho trẻ dưới 5 tuổi ăn hoặc nghịch chơi những viên thạch nhiều màu.

Cũng có nhiều phụ huynh thấy con ăn ít thường tìm cách tăng lượng cho bé mà không để ý đến hậu quả khó lường. Bệnh viện Nhi T.Ư từng tiếp nhận trường hợp hôn mê sâu mà nguyên nhân là do mẹ thấy con ngậm thức ăn liền bịt mũi, buộc bé há miệng nuốt!

Trong trường hợp trẻ bị sặc, vội vã cho tay vào móc dị vật càng khiến dị vật bị đẩy sâu hơn. Tốt nhất là đặt trẻ nằm đầu thấp, nằm sấp trên một tay, tay kia vỗ mạnh vào lưng tạo áp lực trong lồng ngực để đẩy dị vật ra ngoài.

Tai họa từ chiếc tivi

Cuối tháng 8-2010, bé H.T.T.A., hai tuổi rưỡi, ngụ ở TP Biên Hòa, Đồng Nai, vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM trong tình trạng hôn mê, gồng tay chân, khó thở. Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, trước đó bé A. đu lên chiếc kệ đang để tivi 21 inch và bị tivi đè lên người. Lúc người nhà phát hiện bé A. đã bất động.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 chẩn đoán bé A. bị chấn thương sọ não (máu tụ dưới màng cứng, thái dương phải và vỡ xương thái dương phải). Dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng bệnh nhi rơi vào tình trạng hôn mê sâu, sau đó tử vong.

Nhận được thông tin này, bố mẹ bé A. khóc khô cả nước mắt. Người mẹ kể trước đó nhiều lần chị đã thấy cháu đu lên kệ tivi nhưng không ngờ có thể xảy ra chuyện kinh khủng đến như vậy.

TS.BS Trương Quang Định, phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, cho biết bệnh viện vẫn gặp những bệnh nhi bị chấn thương đầu do tivi đè lên. Trong các gia đình, tivi thường được đặt lên những chiếc kệ, trẻ em hiếu động hay vỗ tay vào tivi, thậm chí đu lên kệ làm tivi đổ xuống.

Một số tai nạn sinh hoạt khác cũng thường gặp ở trẻ như phỏng nước sôi, phỏng điện, chết đuối ở nhà do té vào chậu, xô nước...

Bác sĩ Quang Định lưu ý ngay cả khi đưa trẻ đi chơi, các bậc cha mẹ cũng phải luôn để mắt đến trẻ, vì Bệnh viện Nhi Đồng 2 từng tiếp nhận trẻ bị cầu thang máy ở siêu thị cuốn cả cánh tay, trẻ bị té cầu thang khi đi siêu thị, chơi thú nhún...

Trẻ dễ bị té nếu người lớn bất cẩn

Trẻ té võng cũng là tai nạn sinh hoạt mà Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM thường gặp. Bác sĩ Quang Định từng điều trị cho một bé 2 tuổi bị chấn thương sọ não, có máu tụ, do người anh 7 tuổi đưa võng quá mạnh làm người em bị rớt xuống võng. Dù được các bác sĩ phẫu thuật lấy máu tụ nhưng bệnh nhi vẫn tử vong.

Té lầu, té lan can cũng là những tai nạn sinh hoạt bất ngờ xảy ra ở trẻ.

Theo bác sĩ Quang Định, trẻ em hiếu động, thấy có lỗ là thích chui qua, do vậy khi gia đình làm lan can có nhiều lỗ rộng, không đảm bảo an toàn cho trẻ, trẻ sẽ có nguy cơ bị té nếu không được người lớn canh chừng.

Ngoài ra, một số trường hợp trẻ đang chập chững tập đi đã bị té cầu thang trong lúc đi xuống cầu thang, gây các chấn thương như chấn thương sọ não, chấn thương cột sống, gãy tay, gãy chân...

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.