Hội nghị “Bắc cực - lãnh thổ đối thoại” diễn ra trong hai ngày 22 và 23-9 với sự tham dự của các chuyên gia nghiên cứu Bắc cực đến từ Mỹ, Nga, Canada, Na Uy, Đan Mạch, Liên minh châu u và đại diện các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, các chính trị gia...
Điện Kremlin đặc biệt coi trọng sự kiện do Tổ chức Địa lý Nga tổ chức cùng Hãng tin RIA Novosti. Bằng chứng là đích thân Thủ tướng Vladimir Putin đã có mặt tại hội nghị. Chuyên gia Artur Chilingarov, ủy viên hợp tác quốc tế của Tổng thống Dmitry Medvedev về vấn đề Bắc cực, khẳng định mục tiêu của cuộc hội thảo là tìm sự cân bằng giữa lợi ích quốc gia và quốc tế.
100 tỉ tấn dầu khí
Ngay trước hội thảo, Nga đã cho công bố một thông tin nóng hổi. Theo ước tính của các nhà khoa học Nga, “lãnh thổ Bắc cực” của Nga chứa khoảng 100 tỉ tấn dầu thô và khí đốt, tương đương 1/4 lượng dầu khí chưa được khai thác của Trái đất. “Chúng ta cần phải bảo vệ quyền lợi quốc gia đối với khối tài nguyên này” - Bộ trưởng Tài nguyên Nga Yuri Trutnev khẳng định.
Trong khi đó, theo ước tính của các nhà khoa học Mỹ, vùng Bắc cực chứa khoảng 30% trữ lượng khí đốt toàn cầu và 13% trữ lượng dầu thô. Phần lớn các mỏ dầu thô tập trung ở khu vực ngoài khơi Greenland và bang Alaska (Mỹ), trong khi các mỏ khí đốt tập trung ở khu vực gần Nga.
Nga cho rằng mạch núi ngầm Lomonosov trong lòng Bắc Băng Dương là một phần thuộc thềm lục địa Siberia của mình. Bộ trưởng Trutnev cho biết trong vòng ba năm tới, Matxcơva sẽ đầu tư khoảng 2 tỉ rup (64 triệu USD) để chứng minh quan điểm của Nga là sự thật. Ông Chilingarov tiết lộ ông sẽ dẫn đầu một đoàn thám hiểm Nga đến Bắc cực vào tháng tới để thu thập các dữ liệu khoa học nhằm chứng minh Bắc cực thuộc Nga.
Đoàn thám hiểm này sẽ khai trương một trạm nghiên cứu nổi trên Bắc Băng Dương để hỗ trợ tàu phá băng và tàu nghiên cứu Nga đang hoạt động ở Bắc cực suốt hai tháng qua. Năm 2007, chính ông Chilingarov đã dẫn đầu đoàn nghiên cứu đưa tàu ngầm xuống cắm cờ Nga dưới đáy biển ở Bắc cực.
Ngoài Nga, Canada và Mỹ cũng đang cử các đoàn thám hiểm đi nghiên cứu Bắc cực để chứng minh quyền kiểm soát của mình đối với lãnh thổ băng giá này. Năm 2001, Nga từng đề nghị Liên Hiệp Quốc công nhận quyền kiểm soát Bắc cực của mình nhưng bị bác bỏ do thiếu bằng chứng. Trong khi đó, cả Canada và Đan Mạch cũng đã lên kế hoạch nộp hồ sơ đến Liên Hiệp Quốc để khẳng định quyền lợi của mình tại Bắc cực. Đan Mạch cho rằng dãy Lomonosov là một phần của Greenland, còn Canada cho rằng dãy núi này thuộc thềm lục địa Canada. Mỹ và Na Uy cũng tuyên bố quyền lợi của mình ở Bắc cực.
Do vậy, như RIA Novosti thừa nhận, “sẽ là ngây thơ nếu cho rằng diễn đàn Matxcơva sẽ tạo ra một bước đột phá trong tranh chấp Bắc cực. Nhưng nó sẽ giúp xác định đường hướng của vấn đề Bắc cực”.
Trên thực tế, hợp tác không phải là khả năng không thể xảy ra. Ngày 15-9, Nga và Na Uy đã ký một hiệp định hợp tác trên biển Barents (một phần của Bắc Băng Dương, nằm ở phía bắc Na Uy và Nga). Theo đó, hai bên phân chia đồng đều một khu vực rộng 175.000km2, tương đương 50% diện tích nước Đức, chấm dứt cuộc tranh chấp kéo dài suốt 40 năm qua. Tổng thống Nga Medvedev mô tả hiệp định này là “mô hình mang tính xây dựng” để các nước tranh chấp Bắc cực tham khảo nhằm xóa đi bất đồng.
Vũ khí bí mật của Nga
Tại nhà máy đóng tàu ở thành phố St. Petersburg, các công nhân đang miệt mài hoàn thiện từng phần của trạm điện hạt nhân nổi trên biển, một dự án cực kỳ quan trọng đối với tham vọng Bắc cực của Nga. Khi hoàn thành vào năm 2012, nó sẽ là cơ sở đầu tiên trong số tám trạm điện nguyên tử nổi mà Matxcơva muốn đặt ở vùng bờ biển phía bắc nước Nga, hướng ra Bắc cực. Theo kế hoạch, các lò phản ứng hạt nhân này sẽ cung cấp lượng điện năng cần thiết cho các hoạt động thám hiểm của Nga ở Bắc cực.
“Các trạm điện hạt nhân này có tiềm năng vô cùng to lớn - ông Sergey Zavyalov, phó giám đốc Công ty điện nguyên tử Rosenergoatom, cho biết - Chúng sẽ tạo điều kiện cho hoạt động thám hiểm Bắc cực và xây dựng các giàn khoan khai thác dầu khí. Làm việc ở Bắc cực cực kỳ phức tạp và nguy hiểm, do đó chúng ta phải đảm bảo nguồn cung ứng năng lượng ổn định”.
Theo ông, mỗi trạm điện nguyên tử nổi có chi phí 400 triệu USD, công suất 35MW, đủ khả năng cung cấp điện và nhiệt năng cho 45.000 người và hoạt động liên tục trong vòng 12 năm trước khi được đưa về St. Petersburg để bảo dưỡng. Hiện điện Kremlin đang có kế hoạch đưa các trạm điện hạt nhân nổi này ra xa ngoài khơi Bắc Băng Dương, tới gần các mỏ khí đốt lớn.
“Chúng tôi đảm bảo sự an toàn của các trạm điện nguyên tử là 100%” - ông Zavyalov khẳng định và cho biết các trạm điện nguyên tử này sẽ tự lưu giữ chất thải phóng xạ. Tuy nhiên, các chuyên gia môi trường quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về hậu quả của một thảm họa hạt nhân đối với môi trường trong lành của Bắc cực, nếu xét đến thành tích an toàn hạt nhân không mấy khả quan của Nga. Kể cả khi các trạm điện này không rò rỉ chất phóng xạ ra môi trường, chúng cũng sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình ấm dần lên của Bắc cực khiến hiện tượng tan băng càng diễn ra nhanh chóng.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)