Thủ tục xác định cha mẹ cho con

23/09/2010 19:52 GMT+7

* Năm 1990, vợ chồng tôi có sinh một đứa con trai. Sau khi sinh con do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên vợ chồng tôi đã cho ông bà ngoại nhận nuôi và làm khai sinh, đồng thời bảo lãnh sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình.

Trong khai sinh phần khai về cha mẹ mang tên ông bà ngoại (ông bà đã có quốc tịch Mỹ). Nay con tôi đã trưởng thành và đã hồi hương về Việt Nam. Chúng tôi muốn làm các thủ tục xác định lại cha mẹ cho con. Hiện vợ chồng tôi đã nộp đơn cho tòa án, phía ông bà ngoại bên Mỹ cũng đồng ý hợp tác với vợ chồng tôi, tuy nhiên ông bà không trở về Việt Nam được. (maithanh…@...)

- Thông thường, đối với những vụ kiện có bị đơn ở nước ngoài, sau khi thụ lý tòa án sẽ tiến hành thủ tục ủy thác tư pháp để lấy lời khai, thu thập chứng cứ và cho biết ý kiến trình bày của bị đơn đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Đồng thời tòa án cũng sẽ gửi các văn bản tố tụng như: thông báo thụ lý, giấy triệu tập đương sự, quyết định đưa vụ án ra xét xử... cho bị đơn.

Tuy nhiên, nếu phải đợi tòa án làm các thủ tục này thì nguyên đơn phải tạm ứng các chi phí dịch thuật, ủy thác văn kiện và sẽ mất nhiều thời gian để có thể nhận được ý kiến phản hồi từ phía nước ngoài. Vì vậy, trong trường hợp trên, chị chủ động yêu cầu cha, mẹ chị ở nước ngoài làm đơn xin xét xử vắng mặt (vụ kiện xác định cha, mẹ cho con) gửi cho tòa án đang thụ lý vụ kiện. Nội dung đơn ghi rõ đứa trẻ không phải là con của ông bà, nên ông bà từ chối nhận con và yêu cầu tòa án xác định đứa trẻ là con chung của chị và chồng chị để làm thủ tục cải chính lại khai sinh và lý lịch cho trẻ. Trong đơn, ông bà đề nghị tòa án xét xử vụ kiện vắng mặt và cam kết không khiếu nại về sau.

Để có giá trị pháp lý, đơn này phải có chứng thực chữ ký và hợp pháp hóa lãnh sự. Tại Mỹ, đương sự làm theo ba bước: Đến cơ quan công chứng tại địa hạt cư trú để chứng thực chữ ký, tiếp theo đến Bộ Ngoại giao tiểu bang để chứng nhận chữ ký và con dấu của công chứng viên và sau cùng đến Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Việt Nam tại Mỹ để hợp pháp hóa lãnh sự. 

Luật sư Huỳnh Minh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.