Không bất ngờ vì dù Kyrgyzstan muốn cân bằng quan hệ với Nga và Mỹ đến đâu thì cũng không thể bỏ qua vai trò của Moscow trong vấn đề an ninh và ổn định ở nước này. Nga rất gần Kyrgyzstan trong khi Mỹ lại rất xa và những quan hệ về lịch sử, văn hóa, sắc tộc, tôn giáo giữa 2 nước mang đặc thù và truyền thống khác xa so với Mỹ.
Đề nghị trên mang lại cơ hội cho Nga củng cố cơ sở pháp lý để tăng cường sự hiện diện quân sự ở Kyrgyzstan. Danh càng chính thì ngôn càng thuận và phạm vi hoạt động, gây dựng ảnh hưởng về mọi phương diện lại càng lớn. Nó sẽ là cơ sở cho Nga củng cố và lan rộng ảnh hưởng về địa chính trị ở khu vực này, đem lại lợi thế mới trong cuộc cạnh tranh với các đối tác khác ở Kyrgyzstan cũng như trong cả khu vực.
Tuy nhiên, đề nghị ấy lại gây khó xử bởi nó đồng thời bao hàm một cái bẫy đối với Moscow. Một hiệp ước hợp tác quân sự với những nội dung chính như thế sẽ ràng buộc Nga vào vai trò một tác nhân bảo hộ an ninh cho Kyrgyzstan, ẩn chứa nguy cơ sa lầy lâu dài vào biến động về chính trị và an ninh nội bộ ở nước này. Căn cứ quân sự nước ngoài ở đâu cũng vậy, luôn là chuyện nhạy cảm cả về đối nội lẫn đối ngoại.
Lời mời chào thật hấp dẫn, nhưng Moscow không thể không cân nhắc. Nhiều khả năng Nga sẽ quyết định theo hướng sẽ tiếp tục, nhưng mức độ hiện diện quân sự không quá sâu rộng cũng không quá mỏng ở Kyrgyzstan.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)