Xứ sở kình ngư

25/09/2010 15:46 GMT+7

Mỗi năm cứ đến hè, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) lại rộn ràng hẳn lên bởi các chuyên gia bơi lội đổ về “săn” tài năng trẻ. Nhiều lớp tập bơi và tuyển trạch mở ra trên sông Kiến Giang, từng khúc sông dậy sóng vỗ bờ, và từ đây không ít cô, cậu bé đã trở thành những kình ngư.

Sông Kiến Giang xuyên vào lòng xứ Lệ có chiều dài khoảng 58 km; đây là dòng sông của điệu hò khoan nổi tiếng và cứ vào dịp Quốc khánh hằng năm thì người Lệ Thủy lại mở hội đua thuyền nức lòng thiên hạ. Bên dòng sông này, không ít nhân tài đã sinh ra, lớn lên và trở thành những khai quốc công thần như Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và lạ thay, hầu hết các con sông ở VN chảy theo hướng đông nam, riêng Kiến Giang chảy hướng đông bắc nên còn được gọi là “nghịch hà”.

Lệ Thủy là rốn lũ của tỉnh (người địa phương gọi là lụt) vì vùng này địa hình thấp trũng lại mưa rất nhiều, sông cũng ngắn. Ngày trước chưa có đập An Mã chặn dòng điều tiết nước đầu nguồn thì quanh năm suốt tháng đều bị lụt, hễ mưa là lụt. Có lẽ thế mà con người ở đó sinh ra đã quen cảnh sông nước, quen chịu đựng, chống chọi với mưa lụt. Thêm vào đó, trẻ con vùng nông thôn lao động giúp gia đình từ khá sớm, tạo nên sức dẻo dai. 

Mốc son lịch sử

Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Quảng Bình Lê Văn Xuân hào hứng cho biết: Nói Quảng Bình là một trong những cái nôi bơi lội của toàn quốc thì ắt hẳn Lệ Thủy là cái nôi của Quảng Bình. Dù đã cách đây mấy chục năm, nhưng nhiều người còn nhớ thế hệ anh em các VĐV xuất sắc là Nguyễn Văn Thỷ, Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Văn Sáng quê ở xã Phong Thủy trong đội tuyển quốc gia từng được đi huấn luyện tại Liên Xô. Những kình ngư này đã khơi mào cho những cuộc bứt phá nối tiếp nhau tạo nên những phút giây thăng hoa rực rỡ.

Dĩ nhiên, rất nhiều người trong và ngoài nước không thể quên cái tên Trần Xuân Hiền. Anh chào đời tại xã Phong Thủy, 17 năm sau, cái tên này đã làm rạng danh thành tích bơi lội của VN. Trên đường đua xanh 100m ếch nam tại SEA Games 21 - Malaysia 2001, anh đã giành HCB. Dù là HCB nhưng được quý như vàng bởi “giải” được cơn khát huy chương sau 28 năm ở đấu trường khu vực của VN. Khi cờ Tổ quốc được kéo lên, mọi con tim Việt bồi hồi xúc động, vui sướng. Ai cũng hy vọng với dấu son này sẽ tạo bước đột phá cho bơi lội VN.

Năm 2009 cũng đánh dấu sự thành công của VĐV quê Lệ Thủy với Võ Thị Kiều (xã An Thủy), chị đoạt 1 HCĐ tại đại hội thể thao trong nhà châu Á tổ chức ở VN (Indo Games III), 1 HCĐ SEA Games 25, 1 HCV quốc gia; VĐV Nguyễn Hoàn Hảo (ở thị trấn Kiến Giang) đoạt 1 HCĐ SEA Games 25.

Ngoài ra, có rất nhiều kình ngư xuất sắc khác như Phan Thị Hạnh, Nguyễn Văn Tí, Nguyễn Thị Hồng, Lê Thị Lệ, Nguyễn Văn Long… Đặc biệt, ông Xuân bật mí hiện có một nữ VĐV rất xuất sắc, tên N.T.D mới 15 tuổi ở xã An Thủy đang “ẩn mình” miệt mài tập luyện tại đội tuyển quốc gia để chúng ta “tung đòn” vào các mặt trận sắp tới. VĐV này được kỳ vọng sẽ là số 1 VN trong vài năm nữa.  

“Mỏ vàng” Lệ Thủy

Anh Võ Mạnh Hà - Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Lệ Thủy, cho biết bắt đầu từ năm 1994, cứ đến dịp hè hằng năm trung tâm đều tổ chức 4-5 lớp bơi lội cho các học sinh tại 5 điểm là thị trấn Kiến Giang, xã An Thủy, Xuân Thủy, Phong Thủy, Lộc Thủy. Mỗi lớp từ 25-30 em trong độ tuổi 9-12, được đào tạo chuyên về bơi lội trong 2 tháng hè. Ban đầu kiểm tra thể hình, sải tay rồi tập đại trà, sau đó mời chuyên gia về kiểm tra lại rồi gút thành 2 lớp, cuối cùng là sát hạch tuyển chọn.

Có thể nói, Lệ Thủy là “mỏ vàng” cung cấp những vận động viên bơi lội chất lượng cao cho nhiều câu lạc bộ, tỉnh thành khác. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 100 VĐV người Lệ Thủy đang tập luyện, thi đấu cho CLB Hải quân, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế…; trong đó có nhiều VĐV đạt thành tích cao, và một số người đã trở thành HLV như Nguyễn Văn Nhất ở CLB Hải quân.

Trở lại Kiến Giang “nghịch hà”, bắt đầu từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, với nhiều nguồn mạch khác nhau hòa quyện tạo thành dòng sông “xanh như dòng sữa mẹ”; trong đó phải kể đến mạch nguồn nước nóng Bang sôi tự nhiên 105 độ. Bắt đầu từ Mũi Viết (mảnh đất nhô ra nhọn như mũi cây bút xưa, tách dòng sông làm hai) ở thị trấn Kiến Giang xuôi về bắc, tức là hướng hạ nguồn, thì lòng sông bắt đầu nhỏ dần và liên tục uốn lượn quanh co tạo thành bên bồi bên lở. Đoạn này thuộc địa phận các xã Phong Thủy, Lộc Thủy (bờ đông) và An Thủy (bờ tây). Dân vùng này thường nói “khoác” rằng chỉ cần nhún người là đã qua bờ bên kia, ý nói là bơi giỏi! Hỏi những cán bộ làm công tác thể thao, thì giỏi nhiều vẫn là An Thủy.

Dừng lại ở làng Lộc An (An Thủy), thấy tôi đưa máy ảnh ra chụp, lũ trẻ đang nô đùa dưới bến sông nhao nhao. Hỏi ai bơi giỏi nhất thì đứa này chỉ đứa kia rồi lộn người xuống nước, vừa trồi lên đã cười vang cả khúc sông. Trong số này có một vài cậu vừa đi bơi ở CLB trên huyện về. “Bọn cháu bơi sá chi mô chú, chị Oanh bơi mới giỏi tề” - một cậu nhanh miệng nói.

Người được giới thiệu đó là Nguyễn Thị Kim Oanh, đang thi đấu cho đoàn Đà Nẵng. Tôi may mắn gặp được Oanh đúng dịp cô về thăm nhà sau một giải đấu. Trong nhà Oanh có rất nhiều huy chương và cúp, la liệt trong tủ, trên tường. Oanh kể, năm 2000 Đà Nẵng ra tuyển quân và nhận cô cùng với 5 người nữa. Tập khoảng 5 tháng thì lên đội tuyển trẻ quốc gia, tháng 4.2001 bắt đầu thi đấu ở giải trẻ. Cô thi đấu khá đa năng, từ đó đến nay liên tục giành vị trí cao trong các giải, đặc biệt liên tục giành HCV quốc gia từ 2007-2010. Nay dù đã 24 tuổi nhưng Oanh đang thi đấu vì phong độ cô vẫn rất tốt. Hiện em trai của Oanh là Nguyễn Văn Dưỡng (học lớp 10) cũng thi đấu cho Đà Nẵng.

Trước đây, việc các tỉnh thành khác về Lệ Thủy tuyển quân có nhiều chuyện hài hước, có người buột miệng bảo “họ làm lén, đi trộm người”. Vì thế mới phát sinh một vài hệ lụy không hay, nhất là khi VĐV không phát triển tốt bị trả về địa phương thì chuyện học hành dang dở, gia đình oán trách. Tôi thắc mắc vì sao Quảng Bình không giữ những VĐV thi đấu tốt đó mà để họ ra đi? Ông Lê Văn Xuân giải thích: “Thực tế, tài năng bơi lội ở Lệ Thủy rất nhiều trong khi điều kiện kinh phí tỉnh hạn chế, không thể tổ chức một đoàn hùng hậu được. Mỗi lần đi tranh giải chúng tôi đâu có nhiều VĐV nhưng các em đều giành giải cao. Vì thế, hằng năm, khi về tuyển chỉ chọn những em xuất sắc nhất lúc đó. Sau đó người ta mới đi tuyển vét, những em còn lại cũng có năng khiếu tốt. Và có thể, những em không được chọn đó nhưng về sau cơ thể phát triển tốt lại vượt trội hơn”. 


Nhiều năm liên tiếp Nguyễn Thị Kim Oanh giành HCV quốc gia -  Ảnh: T.Q.N

Có thể nói, Quảng Bình là một trong 3 trung tâm bơi lội mạnh của cả nước. Hiện tỉnh xác định các môn thể thao dưới nước như bơi lội, lặn vòi hơi chân vịt, lặn có khí tài, đua thuyền rowin là các môn thế mạnh, mũi nhọn. Năm 2009, có 2 VĐV đạt HCB và HCĐ trên đấu trường thể thao cấp châu lục. Mới đây, tại giải bơi trong bể 25m (môn thi đấu chính thức đầu tiên của Đại hội TDTT toàn quốc vào tháng 3.2010), đoàn bơi lội Quảng Bình chỉ tham gia thi đấu với 4 VĐV nhưng đã xuất sắc giành được 3 HCV, 7 HCB, phá 2 kỷ lục quốc gia, xếp thứ 3 toàn quốc. Mỗi năm, Quảng Bình đóng góp cho đội tuyển quốc gia từ 7-10 VĐV, trong đó chủ yếu là người Lệ Thủy” - ông Lê Văn Xuân - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Quảng Bình, nói.

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.