Trình độ y học trong nước hiện nay đã thực hiện được nhiều loại phẫu thuật ghép mô, tạng. Cụ thể như: ghép giác mạc mắt đem lại ánh sáng cho người mù, ghép xương cho bệnh nhân phải mổ cắt bỏ khối u hay bệnh lý khác trong xương, ghép da để cứu những bệnh nhân bị bỏng nặng, ghép sụn cho những bệnh nhân tai mũi họng hoặc bệnh thanh khí quản, ghép thận để cứu các bệnh nhân suy thận, ghép tủy xương để cứu những người mắc bệnh hiểm nghèo về máu... Do vậy, một người sau khi vừa qua đời có thể hiến tặng các mô hay bộ phận thân thể (tạng) để ghép cho những người còn sống đang cần chữa trị hoặc nghiên cứu khoa học y học. Để mô, tạng hiến tặng ghép được cho người còn sống thì người hiến phải phù hợp với các tiêu chuẩn về tuổi tác, bệnh lý, giới hạn thời gian, các kết quả xét nghiệm máu...
Việc hiến tặng mô, tạng phải có cơ quan y tế chuyên sâu như ngân hàng mô để tiếp nhận, xử lý, bảo quản và chuyển giao. Hiện nay, trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM có Phòng thí nghiệm vật liệu sinh học là đơn vị hoạt động như ngân hàng mô, hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bất vụ lợi; mô hoặc tạng hiến tặng được tiếp nhận và chuyển giao hợp pháp trong cơ sở y tế được Nhà nước cho phép, có đủ các phương tiện kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho người nhận.
Bùi Chiến (thực hiện)
Bình luận (0)