Thư viện mã vạch DNA

26/09/2010 10:12 GMT+7

(TNO) Các nhà di truyền học thuộc nhóm nghiên cứu Dự án mã vạch sự sống quốc tế (iBOL) hôm 25.9 cho biết họ sẽ thiết lập một thư viện các loài sinh vật có nhân chuẩn dựa trên một dạng phân tích mới gọi là “mã vạch DNA” tại Toronto (Canada)

DNA - deoxyribonucleic acid - là nhân tố di truyền ở con người, có ở hầu hết tất cả các cơ thể sống trên trái đất.

Theo AFP, chỉ cần một chuỗi DNA ngắn, một vùng “mã vạch” chuẩn, công nghệ mã vạch DNA sẽ cho phép xác định các loài một cách nhanh chóng.

Giám đốc dự án iBOL - ông Paul Hebert cho biết, hiện đang có rất nhiều loài sinh vật đang trên đà tuyệt chủng. Đây là một dấu hiệu đáng báo động.

Mặc dù đã có rất nhiều biện pháp để bảo vệ các loài sinh vật nói trên. Tuy nhiên, những nỗ lực đó lại bị hạn chế bởi sự thiếu hiểu biết của con người về sự phân bổ các loài và tính đa dạng sinh học của chúng.

Công nghệ mã vạch DNA ra đời sẽ hứa hẹn một tương lai mới, nơi mà con người có thể cập nhật nhanh chóng các thông tin như tên, thuộc tính sinh học… của bất cứ loài sinh vật nào trên trái đất.

Phương pháp phân tích mã vạch DNA cũng sẽ là một công cụ quan trọng trong việc bảo tồn và theo dõi các loài có tác động xấu đến sức khỏe của con người cũng như lợi ích kinh tế từ chúng.

Hiện tại, các nhà nghiên cứu đã thu thập được mã DNA của hơn 80.000 loài. Dự kiến đến năm 2015, thư viện sẽ có được danh mục DNA của khoảng năm triệu mẫu sự sống, đại diện cho 500.000 loài trên trái đất.

Đây chỉ là một nhóm đáng kể trong tổng số 1,7 triệu loài mà con người biết đến hiện nay. Hy vọng công nghệ này sẽ thúc đẩy việc khám phá ra rất nhiều loài còn chưa được biết đến trên trái đất.

Thanh Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.