Xuất phát từ đơn khiếu nại của giáo viên, Thanh tra TP Vĩnh Long đã lập đoàn để xác minh và kết luận: có 8 trường hợp giáo viên mang thai trong thời gian dạy học ở trường này thì 5 trường hợp bị cho nghỉ dạy để làm “giáo viên dự trữ”.
5 trường hợp bị cho nghỉ dạy là các cô Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Trần Thị Hậu, Đặng Thị Huệ, Võ Thị Ái Nhung và Nguyễn Thị Ngọc Bích (trong đó chỉ có cô Đặng Thị Huệ có đơn xin nghỉ dạy, sau khi được Ban giám hiệu trường động viên).
Theo kết luận của Thanh tra TP Vĩnh Long thì việc cho giáo viên nữ có thai nghỉ dạy được thực hiện theo 2 cách: Đầu tiên, các cô bị hiệu trưởng mời lên làm việc để động viên nghỉ dạy. Nếu giáo viên đồng ý thì viết “đơn xin nghỉ dạy”. Trường hợp không đồng ý thì hiệu trưởng mời lên làm việc nhiều lần. Cách thứ hai, nếu giáo viên có thai bị phát hiện ngay từ đầu năm học thì sẽ không được phân công đứng lớp tại cuộc họp Hội đồng sư phạm nhà trường. Nếu phát hiện ở giữa các học kỳ thì nhà trường sẽ phân công giáo viên khác dạy thay.
Kết luận thanh tra cũng cho biết ngoài nguồn ngân sách cấp, tại trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa còn có tới 18 nguồn thu khác. Chẳng hạn như nguồn thu: phí nha khoa, quỹ thu phí học bạ, quỹ thu phí giấy kiểm tra, quỹ thu phí tình thương, quỹ xã hội hóa giáo dục, quỹ phù hiệu, quỹ bảo hiểm thân thể, quỹ hội phí, quỹ xây dựng bán trú, quỹ chăm sóc học sinh bán trú và quỹ tham quan... với tổng số tiền thu mỗi năm học lên đến hàng tỉ đồng. |
Ngoài ra, còn có 3 trường hợp giáo viên có thai nhưng may mắn hơn nên không phải nghỉ dạy vì không có giáo viên thay thế. Trong số này, cô Nguyễn Thị Lan Phương và Nguyễn Thị Ngọc Bích chỉ vì sợ nhà trường phát hiện nên trước đó các cô đã cố giấu việc có thai bằng cách... mặc áo lạnh suốt ngày.
Riêng 5 giáo viên có thai sau khi bị cho nghỉ dạy đều được phân công làm “giáo viên dự trữ” để dạy thế ở tất cả các khối lớp mỗi khi có giáo viên vắng. Nếu không có lớp để dạy thế thì các cô phải đi điểm danh số học sinh của cả 25 lớp toàn trường mỗi ngày.
Chính vì vậy mà các cô cho rằng sau khi bị nghỉ dạy, thực tế công việc còn nặng nhọc hơn khi đứng lớp. Bởi vì mỗi ngày các cô phải leo hết các lầu; không ngày nào được nghỉ, kể cả lúc mang thai gần ngày sinh. Do vậy, các giáo viên bị cho nghỉ dạy đều không đồng tình với chủ trương của nhà trường, đó là chưa nói các cô bị cắt hết khoản phụ cấp đứng lớp (bằng 35% lương), trong khi rất cần tiền dành dụm cho việc sinh nở.
Theo kết luận thanh tra thì chưa có quy định nào của pháp luật về việc giáo viên có thai phải rời lớp. Việc hiệu trưởng mời giáo viên có thai lên động viên xin nghỉ dạy là không đúng. Việc giáo viên không đồng tình nghỉ dạy nhưng nhà trường vẫn đưa ra hội đồng sư phạm để giải quyết cho ra lớp lại càng sai.
Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục không hề có quy định buộc người nữ lao động có thai phải ngưng công việc họ đang làm khi họ có đủ điều kiện, sức khỏe. Ngược lại, Bộ luật Lao động còn có chế định riêng ưu ái đối với lao động nữ, trong đó đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của lao động nữ khi họ đang mang thai, nghỉ thai sản... Hành động của nhà trường đã xúc phạm nặng nề thiên chức làm mẹ của phụ nữ. Theo tôi, vụ việc này thể hiện sự vi phạm nghiêm trọng về mặt đạo đức lẫn pháp luật. (Luật sư Lê Bình An - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng tư vấn pháp luật của Liên đoàn Lao động TP.HCM) Như Lịch (ghi) |
Hoàng Phương
Bình luận (0)