UBND TP.HCM vừa trình Thủ tướng xin điều chỉnh quy mô xây dựng và tổng mức đầu tư DA xây dựng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Trong đó, tổng mức đầu tư đề nghị điều chỉnh là gần 2,5 tỉ USD, so với phê duyệt trước đây là gần 1,1 tỉ USD. Trong số này, nguồn vốn vay ODA của Nhật đề nghị điều chỉnh từ mức 904 triệu USD lên hơn 2,2 tỉ USD.
Mức tăng chóng mặt
DA tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên có quy mô dài 19,7 km (2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao), xuất phát tại khu vực chợ Bến Thành (Q.1) và kết thúc tại depot (trạm bảo dưỡng kỹ thuật) ở Q.9. Hạng mục san lấp mặt bằng, xây dựng hàng rào depot đã được khởi công từ tháng 2.2008, song đến nay các hạng mục chính chỉ mới dừng lại ở khâu giải phóng mặt bằng và đấu thầu. Tuy vậy, tổng mức đầu tư DA đã tăng gấp đôi so với dự toán phê duyệt ban đầu vào tháng 4.2007.
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, cho rằng nhất thiết phải có sự phản biện của các cấp HĐND TP và QH đối với DA có tổng vốn đầu tư cao như DA này. Theo ông Liêm, DA vay hơn 2 tỉ USD vốn ODA mà tương lai người dân phải trả nợ nên cần đưa ra để phản biện công khai. Hơn nữa, trước thời điểm Nghị quyết 49 có hiệu lực thì DA có tổng vốn trên 20.000 tỉ đồng đã phải trình QH rồi, cho nên không thể lấy lý do DA đã thực hiện trước thời điểm Nghị quyết 49 có hiệu lực để không trình QH. Trước đó, khi cho ý kiến về điều chỉnh quy mô xây dựng và tổng mức đầu tư tuyến metro 1, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng đều có lưu ý đến việc báo cáo DA cho QH xem xét. |
Trả lời Thanh Niên về mức tăng chóng mặt này, ông Lê Khắc Huỳnh, Chánh văn phòng Ban quản lý đường sắt đô thị (chủ đầu tư), cho rằng trong quá trình nghiên cứu lập DA ban đầu, các đơn vị tính toán thiếu và chưa dự báo được hết một số yếu tố làm tăng giá, đặc biệt là vấn đề trượt giá các nguyên vật liệu xây dựng. DA phê duyệt năm 2007, nhưng thực tế số liệu nghiên cứu cập nhật từ năm 2003 - 2006, trong khi giá nguyên vật liệu thực tế các năm từ 2007 - 2009 đã tăng khá cao, bình quân tăng 40%, thậm chí có loại tăng đến 100%. Theo ông Huỳnh, yếu tố trượt giá ở DA này cũng giống như các DA sử dụng vốn trong nước và các DA khác do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ là nguyên nhân khách quan phải chấp nhận.
Một lý do khác là phần gia tăng do các thành phần chi phí gián tiếp khác tăng theo chi phí xây lắp. Đặc biệt, chi phí tăng thêm nhiều nhất là phần dự phòng trượt giá xây dựng đến khi hoàn thành công trình (đến năm 2019) theo quy định mới của Chính phủ. Theo chủ đầu tư, việc điều chỉnh tổng vốn đầu tư như vậy sẽ mang tính chất dự phòng đủ cho đến khi hoàn thành công trình, không cần phải điều chỉnh nhiều lần như các DA trước đây hoặc các DA vốn ODA khác hiện đang thực hiện nhưng vốn đầu tư duyệt đã lâu, nay phải duyệt lại do tăng vốn.
Quy hoạch 6 tuyến metro của TP.HCM |
Ngoài ra, trong quá trình lập thiết kế làm rõ thiết kế cơ sở, khối lượng đầu tư DA cũng phát sinh do quy mô xây dựng tăng để đáp ứng yêu cầu thiết kế đầy đủ, an toàn. Trong đó gồm, tăng quy mô nối dài giữa tuyến số 1 với tuyến 3A (Bến Thành - Tân Kiên) và tăng thiết bị nhằm đạt hiệu quả an toàn (như bổ sung hệ thống thông tin tín hiệu điều khiển tiên tiến của châu u, xây dựng cửa chắn ke ga trên cao, tăng số lượng toa xe, đặc biệt đầu tư khá đầy đủ cho xưởng bảo trì sửa chữa tòa nhà trung tâm điều khiển cho cả 6 tuyến metro…). Chủ đầu tư cho rằng phần quy mô xây dựng chi tiết này đã được UBND TP phê duyệt và Bộ GTVT thẩm định, sau đó được tư vấn độc lập SMRT (Singapore) thẩm tra lại đạt yêu cầu.
Cần có phản biện
Dù chủ đầu tư khẳng định việc tăng vốn là hợp lý, song mức tăng quá cao khiến không ít đại biểu HĐND TP băn khoăn. Ban đầu, thiết kế cơ sở DA do một đơn vị tư vấn trong nước nghiên cứu thực hiện và được phê duyệt năm 2007, tuy nhiên, đến đầu năm 2008, TP tổ chức đấu thầu chọn nhà tư vấn chung (liên danh NJPT, gồm 6 nhà thầu Nhật và 2 nhà thầu VN) để làm rõ thiết kế cơ sở, thì tổng vốn đầu tư vọt lên gấp đôi. Ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu HĐND TP.HCM, cho rằng khi đơn vị trong nước lập DA thì tổng mức đầu tư chỉ khoảng 1,1 tỉ USD, nhưng sau đó không bao lâu, các tư vấn Nhật Bản tham gia vào nhóm tư vấn chung lại điều chỉnh mức vốn quá cao. Do đó, ông Nghĩa đặt vấn đề cần có sự phản biện đối với mức tăng vốn này.
Phối cảnh một tuyến metro - Ảnh tư liệu |
Dù mức tăng vốn đưa ra đã được một đơn vị tư vấn độc lập tại Singapore thẩm định lại, song theo ông Nghĩa, đơn vị này cũng do nhà tài trợ JICA bỏ tiền ra thuê mà không có sự phản biện trong nước nên tưởng là khách quan mà lại chưa khách quan. Chi phí tư vấn cho DA lên tới 70 triệu USD, do đó ông Nghĩa đề xuất nên dành một khoản kinh phí (vài trăm triệu đồng) để các nhà khoa học VN nghiên cứu hồ sơ, xem xét việc tăng vốn có hợp lý không. "Theo quy hoạch, TP.HCM có 6 tuyến metro. Bến Thành - Suối Tiên là tuyến đầu tiên mà chúng ta đã không có cách thẩm định, để phụ thuộc hoàn toàn vào đơn vị tài trợ vốn như vậy, liệu chúng ta sẽ chịu đựng bao nhiêu vốn nữa cho 5 tuyến metro tiếp theo? Nếu cứ lệ thuộc hoàn toàn vào nhà tài trợ ODA, lệ thuộc vào những công ty tư vấn do nhà tài trợ thuê thì họ muốn tăng bao nhiêu thì tăng, còn chúng ta đành bất lực. Trong khi vốn ODA tăng nghĩa là nợ tăng nên nhất thiết phải có cơ chế giám sát, phản biện" - ông Nghĩa phân tích.
Nếu tính theo tỷ giá hiện nay, tổng vốn đầu tư tuyến metro 1 đã lên đến hơn 47.000 tỉ đồng. Trong khi đó, theo Nghị quyết 49 của QH, các DA có tổng vốn đầu tư trên 35.000 tỉ đồng được xem là công trình trọng điểm quốc gia và phải trình QH quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng cho phép tiếp tục thực hiện DA theo hướng không trình QH, vì cho rằng với những DA trọng điểm đã được phê duyệt và đang thực hiện trước thời điểm Nghị quyết 49 có hiệu lực (1.8.2010) cần được triển khai bình thường mà không thông qua QH.
Phương Thanh
Bình luận (0)