Lãi suất khó hạ vì ngân hàng có "sân sau"

29/09/2010 23:35 GMT+7

Hôm qua 29.9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức họp báo để giải thích về những biến động trên thị trường tiền tệ thời gian qua. >> Giá vàng nhảy vọt

Tại đây, Thống đốc NHNN, ông Nguyễn Văn Giàu cũng giãi bày về những khó khăn khi thực hiện mục tiêu hạ lãi suất, trong đó có "lực cản" nhất định từ thị trường trái phiếu khi thời gian qua đã có lượng lớn trái phiếu Chính phủ được phát hành ồ ạt, lớn chưa từng có.

 
 Ông Nguyễn Văn Giàu

* Thưa Thống đốc, có ý kiến cho rằng, Thông tư 13 có hiệu lực khiến các NH phải trích lập dự phòng nhiều hơn, đẩy chi phí vốn tăng cao, và sẽ không giảm được lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ?

- Những ý kiến nói rằng Thông tư 13 sẽ khiến các NH bị tăng chi phí vốn đầu vào, không giảm lãi suất, theo tôi đó chỉ là lợi ích của một nhóm cá biệt. Trên thực tế khi áp dụng, Thông tư 13 cũng không lấy mất đi khả năng sinh lời của các NH. Ví dụ, theo thông tư mới, các NH được sử dụng 80% nguồn vốn huy động để cho vay. Nếu vốn không sử dụng hết họ vẫn có thể dùng để mua các công cụ tài chính như trái phiếu để sinh lời.

Về lãi suất vàng tăng cao thời gian qua, theo ông Giàu là một hiện tượng đáng chú ý, nhưng chưa phải bất thường.

* So với các nước, lãi suất của Việt Nam đang quá cao, và thời gian qua có hạ nhưng còn khá chậm, Thống đốc có thể giải thích rõ hơn về tình trạng này?

- Trong vài năm trở lại đây, lãi suất tại Việt Nam khá cao, và năm 2010 là thời điểm cao nhất, bình quân lãi suất cho vay là 13,97%. Tuy nhiên, tới 25.9 theo báo cáo của các NH, lãi suất cho vay bình quân đã giảm xuống còn 13,27%. Nhưng so với thời kỳ ổn định vài năm trước, lãi suất vẫn cao hơn, như năm 2006 bình quân là 12,92% và 2007 là 13,02%. Nguyên nhân khiến lãi suất của năm 2010 quá cao vì năm ngoái hỗ trợ lãi suất, và một vài những nguyên nhân khác từ bất ổn kinh tế vĩ mô…

So với các quốc gia khác, lãi suất VN cao hơn rất nhiều, nhưng mỗi nước có cơ cấu nền kinh tế khác nhau, không thể áp đặt giống nhau.

* Tốc độ giảm lãi suất diễn ra rất chậm, theo Thống đốc nguyên nhân chủ yếu là gì?

- Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó, có tác động rất mạnh từ thị trường trái phiếu. Chưa bao giờ lượng trái phiếu được phát hành nhanh và lớn như trong năm qua, thu hút vốn từ các NH thương mại lên tới 48.000 tỉ đồng, với lãi suất rất cao. Lượng phát hành trên tăng hơn so với cùng kỳ các năm trước tới 5-6 lần. Nếu năm trước phát hành 3.000-4.000 tỉ đồng, các NH huy động không có "ngõ" ra buộc phải hạ lãi suất xuống để cho vay, thì năm nay lại khác. Lãi suất trái phiếu cao, trở thành "sân sau" của các NH, NH kinh doanh có lãi nên họ cũng không cần phải hạ lãi suất để cho vay.

* Có ý kiến cho rằng, lãi suất cao khiến cung vốn cho nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng tín dụng không đạt được như mong muốn, Thống đốc nghĩ sao?

- Tới ngày 27.9, tín dụng tăng 19,27%, từ nay đến cuối tháng có thể tăng 19,5%. So với mục tiêu 25% trong năm 2010 thì không hề thấp. Nếu giả sử tới thời điểm này tín dụng tăng 12%, tăng trưởng kinh tế là 5,5-6% thì mới có vấn đề. Nhưng hiện tại, 9 tháng tăng trưởng kinh tế 6,52%, tín dụng 19,27% rõ ràng 2 mục tiêu khá nhịp nhàng.

* Đến nay, hệ thống NH đã cung ứng cho 3 lĩnh vực ưu tiên: xuất khẩu, nông nghiệp, DN vừa và nhỏ bao nhiêu tiền?

- Tín dụng phi sản xuất tính tới thời điểm hiện tại đạt 385.000 tỉ đồng, tăng 18,2% so với đầu năm, so với tốc độ tăng tín dụng chung vẫn thấp hơn. Trong đó, dư nợ bất động sản 218.000 tỉ đồng tăng 17%, chứng khoán 15.000 tỉ đồng tăng 19,8%, tín dụng tiêu dùng 151.000 tỉ tăng 19,7%. Đối với các lĩnh vực ưu tiên, dư nợ tín dụng khu vực nông nghiệp tăng 19%, doanh nghiệp vừa và nhỏ 20%, xuất khẩu tăng thấp hơn chỉ đạt 17%.

 * Tháng 9, Hiệp hội NH có "hứa" sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình giảm lãi suất huy động, NHNN có chỉ đạo gì về việc này không, thưa Thống đốc?

- Vấn đề quan trọng nhất hiện nay khi hạ lãi suất là giải quyết khâu đầu vào. Vừa qua, tốc độ hạ lãi suất trong tháng 9 khá chậm. Lãi suất huy động bình quân cuối tháng 8 là 10,6%, cuối tháng 9 bình quân 10,59%, chỉ giảm được 0,01% khiến lãi suất cho vay khó giảm. Vì vậy, chúng tôi cũng vừa làm việc với Hiệp hội Ngân hàng, sẽ nhanh chóng họp các thành viên để bàn tiếp tục thực hiện đồng thuận hạ lãi suất huy động.

 Anh Vũ (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.