Nhóm tác giả đã trình làng một sản phẩm sách giáo dục mong muốn thay đổi phương pháp giáo dục.
Nội dung SGK “tư nhân” này đưa ra có thể còn bàn luận, nhưng cái hay trước mắt là xóa bỏ cơ chế độc quyền trong chuyển tải tri thức (tất cả dùng một bộ SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn và in ấn, phát hành). Thứ nữa, nó còn làm phong phú thêm cho nội dung công tác giáo dục. SGK “tư nhân” cần là đề tài được đưa ra bàn luận trong các kỳ họp Quốc hội, vì luật phải thay đổi theo thực tế cuộc sống.
Còn nhớ, dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục công bố ngày 1.4.2009, Bộ GD-ĐT đã đưa ra lấy ý kiến về quy định “Một chương trình, nhiều bộ SGK”. Theo đó, sẽ có nhiều bộ SGK của nhiều nhà xuất bản được lựa chọn sử dụng. Có 2 phương án về đối tượng được quyền lựa chọn SGK sử dụng trong các đơn vị trường học là giám đốc Sở GD-ĐT và hiệu trưởng nhà trường… Dự thảo hé mở sự nỗ lực chấm dứt những bất cập tồn tại trong chương trình và SGK. Thế nhưng sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII (tháng 11.2009), Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung vẫn: “một chương trình, một bộ SGK”.
Nhiều người rất tâm đắc với câu nói của nhà nghiên cứu giáo dục Phạm Toàn (chủ trì nhóm biên soạn bộ sách) đăng trên một tờ báo. Ông Toàn nói rằng: "Tôi góp ý đã nhiều nhưng không ai nghe. Chi bằng tôi cứ làm việc mình muốn làm: tạo ra một sản phẩm vật chất. Nếu Bộ GD-ĐT muốn có một chương trình mới, họ phải vượt tôi. Và tôi chỉ mong họ vượt tôi". Câu nói vừa mang tính góp ý vừa mang tính thách đố tích cực nhằm góp phần xây dựng nền giáo dục nước nhà.
Hy vọng rằng từ nay sẽ có nhiều hình thức phản biện như tập thể tác giả của bộ sách nói trên để giáo dục phải thực sự là quốc sách hàng đầu.
Võ Ba
Bình luận (0)