Xuất khẩu cá tra sang Mỹ sẽ gặp khó

29/09/2010 23:36 GMT+7

Tại cuộc tọa đàm "Hoa Kỳ thắt chặt pháp luật về chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với nền kinh tế phi thị trường - ảnh hưởng tới doanh nghiệp VN", diễn ra tại Hà Nội sáng 29.9, luật sư William H.Barringer (Công ty luật Winston & Strawn) cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đang thực hiện "gói thực thi Luật Thương mại", với một loạt đề xuất nhằm tăng cường pháp luật về chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Biện pháp này được dự báo sẽ gây khó khăn nhiều hơn cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đang rơi vào tầm ngắm bị áp thuế chống bán phá giá hay chống trợ cấp. "Các DN sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá cao hơn, và sẽ có nhiều hơn các vụ kiện tương tự với các nước bị coi là nền kinh tế phi thị trường như VN", luật sư William H.Barringer cảnh báo.

Trước đó ngày 15.9, DOC đã đưa ra kết quả sơ bộ đợt xem xét hành chính lần thứ 6 về việc áp thuế với cá tra VN tiêu thụ tại nước này từ tháng 8.2008 - 7.2009, với mức thuế chống bán phá giá mới lên tới trên 100% (có doanh nghiệp phải chịu mức thuế 136%). Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), đây là kết quả của sự vận động vụ lợi của Hiệp hội Chủ trại nuôi cá nheo Mỹ, khiến DOC đã chuyển nước so sánh từ Bangladesh sang Philippines, một nước có nền nuôi cá tra rất sơ khai.

Theo thông lệ, VASEP và các doanh nghiệp bị kiện còn vài tháng để đưa ra các tài liệu phản biện lại kết luận của DOC, một doanh nghiệp xuất khẩu lớn cũng cho biết sẵn sàng kiện lên WTO nếu DOC giữ nguyên phán quyết trên.

Tuy nhiên, theo ông William H.Barringer, với gói chính sách mới của DOC, việc bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá với một sản phẩm trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Bởi thế, cuộc đấu tranh của các DN xuất khẩu cá tra sắp tới sẽ càng phức tạp hơn. Luật sư William H.Barringer đưa ra lời khuyên, VN có thể đưa ra những mặc cả trên bàn đàm phán như tuyên bố chậm mở cửa thị trường dịch vụ với Mỹ nếu Mỹ tiếp tục áp các mức thuế không công bằng lên hàng xuất khẩu của VN. Tuy nhiên, cần xem xét thận trọng bởi biện pháp này dễ dẫn tới những hậu quả khó lường.

"DN VN có thể tìm các đồng minh ở Mỹ. Như trong vụ kiện tôm, các doanh nghiệp trong giai đoạn đầu đã tập hợp được một nhóm đồng tình là hệ thống chủ nhà hàng của Mỹ có mạng lưới rộng rãi. Họ cho rằng nhờ nhập khẩu tôm từ VN, người Mỹ có thể dùng tôm với mức giá bình thường, và ủng hộ rất mạnh mẽ cho VN", ông William H.Barringer nói. Chuyên gia này cũng cho rằng, trong vụ kiện tôm, mô hình thành công nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa các DN và VASEP, xây dựng phần mềm tính giá thành, giảm chi phí cho DN. Trong khi đó, bài học từ vụ kiện túi nhựa cho thấy, hai công ty được DOC lựa chọn ngẫu nhiên là bị đơn bắt buộc đã chọn cách không hợp tác với Mỹ trong tiến trình kiện, hệ quả là các DN còn lại đã phải chịu mức thuế áp lên rất cao.

Trên thực tế, VASEP và các DN bị kiện đã lựa chọn cách vận động hành lang mạnh mẽ từ các phương tiện truyền thông Mỹ, người tiêu dùng Mỹ tới thuyết phục các DN tiêu thụ cá tra, các nhà sản xuất ngũ cốc của Mỹ đứng về VN.

Theo luật sư William H.Barringer, với vụ kiện cá tra, DN VN hoàn toàn có thể phản biện lại việc Mỹ đổi nước thay thế từ Bangladesh sang Philippines, vấn đề là các DN phải ngồi lại với nhau, đưa ra những dẫn chứng chứng minh được quyết định này là vô lý. Không chỉ cá tra mà với các vụ kiện khác được dự báo sẽ tăng lên nhiều hơn trong thời gian tới do chính sách bảo hộ thương mại từ phía Mỹ, các doanh nghiệp nên cố gắng theo đuổi vụ kiện, thay vì chỉ giải quyết qua các tuyên bố ngoại giao.

 Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.