Điều trần tại Ủy ban Dịch vụ tài chính Hạ viện hôm 28-9, chuyên gia tài chính Eric Lewis khẳng định chính sách chống rửa tiền của Mỹ đang trở nên vô tác dụng khi hàng tỉ USD tiền bẩn từ khắp nơi trên thế giới đang chảy qua hệ thống ngân hàng Mỹ. Eric Lewis là cố vấn cho các cơ quan xử lý ngân hàng tín dụng và thương mại đã sụp đổ, hiện là cố vấn cho các cơ quan xử lý các công ty của Bernard Madoff, trùm lừa đảo Phố Wall.
Cuộc điều trần này diễn ra trong bối cảnh nhà chức trách Mỹ đang tình nghi tiền bẩn lẫn trong các giao dịch trị giá tới 1.000 tỉ USD trong sáu năm qua giữa các công ty ở Trung Đông và Mỹ. Các vụ rửa tiền liên quan đến các ngân hàng Barclay và Wachovia gần đây đã chấn động dư luận Mỹ.
Một vụ việc cũng gây ầm ĩ khác là gia tộc Al-Gosaibi ở Saudi Arabia đâm đơn kiện cựu đối tác Mann Al-Sanea, chủ tịch Tập đoàn Saad, đã bòn rút 10 tỉ USD của nhà Al-Gosaibi qua hệ thống ngân hàng Mỹ. Trong đơn kiện đưa lên tòa án ở New York, nhà Al-Gosaibi khẳng định rất nhiều giao dịch lừa đảo của ông Al-Sanea được thực hiện qua Ngân hàng Mỹ quốc (Bank of America).
Rửa tiền với quy mô chóng mặt
Trong thời gian qua, đã có không ít ngân hàng Mỹ hoặc hoạt động tại Mỹ bị phạt hàng trăm triệu USD do cho phép dòng tiền bẩn chảy qua hệ thống của mình. Tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Wachovia, trực thuộc đại gia Wells Fargo & Co, thừa nhận đã không phát hiện các giao dịch rửa tiền trị giá tới 378,4 tỉ USD của các băng đảng ma túy Mexico từ năm 2004-2007. Số tiền này tương đương 1/3 tổng GDP Mexico. Wachovia đã chấp nhận nộp phạt 160 triệu USD.
Trước đó, Ngân hàng Anh Barclay cũng thú nhận đã che giấu các giao dịch tổng cộng 500 triệu USD trong thời gian 1995-2006 từ các nước bị Mỹ cấm vận tài chính, và đồng ý nộp phạt 298 triệu USD. Năm 2006, Ngân hàng Mỹ quốc tiết lộ các băng nhóm rửa tiền Nam Mỹ đã chuyển 3 tỉ USD qua một tài khoản ở Manhattan của ngân hàng này.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là cây chứ chưa phải là rừng cây. Các nhà điều tra Mỹ hiện vẫn chưa xác định được bao nhiêu tiền bẩn và tiền liên quan đến khủng bố trong tổng số giao dịch 1.000 tỉ USD. Tuy nhiên, chuyên gia Eric Lewis khẳng định con số này thông qua các giao dịch tiền mặt đáng ngờ trong hệ thống ngân hàng Mỹ là “có quy mô gây chóng mặt” nhưng “chẳng ai đặt thành vấn đề”.
Lý do, theo ông Lewis, là vì các ngân hàng Phố Wall cứ cố tình ngó lơ cho các hoạt động giao dịch mờ ám diễn ra, bởi họ “luôn được khuyến khích quay mặt đi khi nhận được một phần bánh lớn”.
Lewis cũng lưu ý mức phạt đối với các ngân hàng vi phạm là quá nhỏ, vì “các ngân hàng thường cho rằng việc bị phạt ít khi xảy ra, mà nếu có bị phạt thì số tiền phạt ấy cũng chỉ là một phần chi phí kinh doanh”.
Ra tay hành động
Trước tình hình đó, chính quyền Mỹ đã bắt đầu hành động để ngăn chặn nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố. Hôm 27-9, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố sẽ yêu cầu các ngân hàng tại Mỹ phải công bố tất cả giao dịch tiền tệ điện tử ra và vào nước Mỹ. Luật pháp Mỹ đã quy định các ngân hàng và tổ chức tài chính phải báo cáo các giao dịch tiền mặt trị giá trên 10.000 USD và các giao dịch mờ ám, cũng như ghi nhớ mọi giao dịch điện tử trị giá trên 3.000 USD để báo cáo chính quyền khi cần thiết. Mỗi năm, các công ty tài chính báo cáo lên Bộ Tài chính 1,3 triệu giao dịch mờ ám và 14 triệu giao dịch trên 10.000 USD.
Các quan chức Mạng lưới chống tội phạm tài chính (FinCEN) thuộc Bộ Tài chính Mỹ cho biết bằng việc tạo ra hệ thống dữ liệu trung ương, “quy định mới sẽ giúp nhà chức trách phát hiện và triệt phá các giao dịch tài chính của các nhóm tội phạm có tổ chức, băng đảng ma túy, tài trợ khủng bố và trốn thuế quốc tế”, như giám đốc FinCEN James H. Freis Jr. khẳng định. Các quy định mới sẽ được áp dụng từ năm 2012 và có hiệu lực với 300 ngân hàng cùng 700 công ty tài chính Mỹ. Các chuyên gia FinCEN mô tả các quy định cũ chỉ giúp nhìn thấy cây, còn quy định mới giúp nhìn thấy rừng.
Ví dụ, theo chuyên gia FinCEN Steve Hudak, nhà chức trách Mỹ hiện chưa biết có bao nhiêu tiền được chuyển qua bất kỳ quốc gia nào hằng năm. “Một người có thể sử dụng 10 ngân hàng để chuyển từng khoản tiền ở mức không bị nghi ngờ tới hàng chục tài khoản khắp nơi trên thế giới”, chuyên gia Hudak cho biết.
Với hệ thống dữ liệu mới, FinCEN và các cơ quan khác sẽ dễ dàng giám sát và điều tra chéo các giao dịch để phát hiện những hành vi mờ ám. Trong khi đó, các ngân hàng và công ty tài chính Mỹ kịch liệt phản đối quy định mới này và cho rằng nó giúp chính quyền kiểm soát thông tin cá nhân ở quy mô chưa từng thấy.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)