Theo đó, tàu Chang'e II (Hằng Nga II) sẽ rời bệ phóng tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, tây nam tỉnh Tứ Xuyên trong khoảng từ ngày 1 - 3.10 tùy thuộc vào điều kiện thời tiết.
Theo Tân Hoa Xã, các kỹ sư của Trung Quốc trong ngày hôm nay (30.9) thực hiện việc tiếp nhiên liệu cho tên lửa đẩy Long March (Trường Chinh) 3C.
Trước đó, vào ngày 24.10.2007, đất nước đông dân nhất hành tinh đã có bước tiến lớn trong hành trình khám phá vũ trụ của mình bằng việc phóng thành công tàu thăm dò Mặt trăng đầu tiên mang tên Chang'e I bằng tên lửa đẩy Long March 3A.
Chang'e I đã gửi về Trái đất một số hình ảnh bề mặt Mặt trăng trước khi nó kết thúc sứ mệnh của mình với việc đâm vào "chị Hằng" sau 16 tháng chu du trong không gian.
Sứ mệnh của tàu Chang'e II nhằm chuẩn bị cho việc Trung Quốc phóng tàu thăm dò đáp xuống bề mặt Mặt trăng vào năm 2013 và tiếp theo là đưa người đặt chân lên Mặt trăng vào năm 2017.
Cũng theo Tân Hoa Xã, quỹ đạo của Chang'e II cách mặt trăng khoảng 100 km, thấp hơn phân nửa so với quỹ đạo bay trước đó của Chang'e I.
Tàu thăm dò mới này cũng được trang bị camera mạnh hơn để có thể xác định vị trí đổ bộ cho tàu thăm dò kế tiếp; đồng thời giúp việc khảo sát môi trường giữa Mặt trăng và Trái đất, thăm dò dưới lớp bề mặt của Mặt trăng được tốt hơn.
Năm 2003, Trung Quốc đã ghi tên vào danh sách những quốc gia có khả năng tự đưa người vào không gian (cùng với Nga, Mỹ) bằng tàu Thần Châu 5 với một phi hành gia.
Hai năm sau, Trung Quốc nâng số lượng phi hành gia theo tàu Thần Châu 6 lên hai người.
Năm 2008 đánh dấu một bước tiến vĩ đại của ngành công nghệ vũ trụ Trung Quốc bằng việc phóng tàu Thần Châu 7 mang theo ba phi hành gia.
Trong chuyến bay này, Trung Quốc trở thành một trong ba nước (cùng với Mỹ, Nga) có khả năng tự đưa người vào vũ trụ và thực hiện việc đi bộ ngoài không gian.
Tiến Dũng
Bình luận (0)