Mỹ muốn nghe lén trên internet

02/10/2010 23:20 GMT+7

Sau nghe lén điện thoại, Mỹ dự định triển khai việc nghe lén qua internet với lý do bảo vệ an ninh quốc gia.

Chính quyền của Tổng thống Barack Obama dự định sẽ trình Quốc hội kế hoạch kiểm soát việc trao đổi thông tin trên internet trong nỗ lực mới nhất nhằm chống khủng bố và tội phạm. Ý định này lập tức gây ra tranh cãi dữ dội trong dư luận và gợi nhớ đến tuyên bố gây chấn động của lãnh đạo ngành tình báo nước này cách đây hơn 3 năm. Tháng 8.2007, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ khi đó là Mike McConnell tiết lộ rằng tình báo nước này đã nghe lén không xin phép hàng ngàn cuộc điện thoại do người nước ngoài thực hiện trên những đường dây chạy qua lãnh thổ Mỹ.

Từ theo dõi điện thoại...

Ông McConnell đưa ra tiết lộ gây sốc nói trên ngay sau khi Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật cho phép các cơ quan tình báo nước này thu những cuộc điện thoại mà 2 đầu liên lạc đều là người nước ngoài. Tuy nhiên, ông McConnell nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với nhật báo El Paso Times rằng các cơ quan tình báo vẫn phải xin phép tòa án để kiểm tra các cuộc gọi điện thoại mà trong đó ít nhất một đầu dây nằm ở Mỹ.

 

 Từ nghe lén điện thoại... - Ảnh: Reuters

Ông McConnell là người phụ trách chiến dịch tuyên truyền của chính quyền Mỹ nhằm vận động Quốc hội thông qua đạo luật trên, vốn bị chỉ trích mạnh mẽ. Ông McConnell cho biết sở dĩ cơ quan tình báo tự tiện hành động vì phải mất tới gần 10 ngày mới xin được giấy phép nghe lén một cuộc điện thoại của người nước ngoài và như thế “chúng ta sẽ chậm chân so với bọn khủng bố”. “Tôi cho rằng người dân sẽ muốn chúng ta giám sát trường hợp một kẻ khủng bố gọi điện cho đồng bọn”, ông nói.

El Paso Times cho biết ông McConnell cũng xác nhận một số tập đoàn viễn thông lớn của Mỹ như AT&T và Verizon, vốn đang bị kiện do vi phạm luật về quyền riêng tư, đã giúp chính phủ thực hiện các hoạt động theo dõi này. Người đứng đầu ngành tình báo của Mỹ cũng cung cấp thêm chi tiết mới về những quy định của Tòa án Giám sát hoạt động tình báo của nước ngoài, trong đó chấp thuận các hoạt động nghe lén bí mật và các vụ kiện tụng liên quan luôn được giữ kín.

Tiết lộ của ông Mike McConnell đã vén lên bức màn về việc Chính phủ Mỹ giám sát những hoạt động thông tin liên lạc của người dân và về Tòa án Giám sát hoạt động tình báo của nước ngoài, vốn rất ít người biết đến. Điều này gây bất ngờ cho nhiều người bởi

Washington luôn theo đuổi phương châm: không tiết lộ thông tin về những cách thức kiểm soát của chính phủ. Các hoạt động của tòa án đặc biệt nói trên được thành lập theo Luật Theo dõi hoạt động tình báo nước ngoài (FISA) và được bảo vệ hết sức cẩn mật.

Mới đây, báo The New York Times đưa tin ông Mahmoud Karzai, anh trai của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, đã bị Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) của Mỹ theo dõi điện thoại nhiều tháng nay trong khuôn khổ một cuộc điều tra của các công tố viên liên bang ở New York. Karzai “anh” là một trong những doanh nhân có “máu mặt” ở Afghanistan và hiện bị tình nghi dính líu tới nhiều hoạt động tài chính đáng ngờ.

...đến internet

Cũng theo báo The New York Times, hiện các quan chức an ninh Mỹ đang chuẩn bị đưa ra những quy định mới trong việc kiểm soát internet với lý do họ rất khó nghe lén các nghi phạm khủng bố và tội phạm vì ngày càng nhiều người nói chuyện với nhau qua internet chứ không qua điện thoại. Cụ thể các cơ quan an ninh muốn Quốc hội Mỹ yêu cầu tất cả các dịch vụ cung cấp thông tin liên lạc, kể cả nhà cung cấp dịch vụ thư điện tử được mã hóa như BlackBerry, các trang mạng xã hội như Facebook và phần mềm đối thoại trực tiếp như Skype, phải cho các nhân viên an ninh nghe trộm, chặn thu và phục hồi những bức thư đã được mã hóa. 

 

...giới chức Mỹ còn muốn theo dõi các hoạt động thông tin liên lạc qua internet  Ảnh: Shutterstock

Dự luật nói trên sẽ được chính quyền Obama trình Quốc hội trong năm tới, bị cho là sẽ gây nhiều tranh cãi mới về việc làm sao để cân bằng các nhu cầu an ninh với bảo mật thông tin cá nhân. Theo các nhà phân tích, khi các cơ quan an ninh trên thế giới gặp các khó khăn tương tự, họ có thể coi đạo luật này như một tiền lệ để làm theo. Dự luật cũng gây ra tranh cãi giữa giới công nghệ thông tin và giới thực thi luật pháp Mỹ. Ông James X.Dempsey, Phó chủ tịch Trung tâm Dân chủ và Công nghệ, cho rằng đề xuất trên sẽ ảnh hưởng rất lớn và thách thức “các thành phần cơ bản của cuộc cách mạng internet”. “Họ thật sự đang tìm cách thiết kế lại internet. Về cơ bản, chính quyền muốn kéo ngược các dịch vụ internet về cái thời mà họ có thể dễ dàng kiểm soát tất cả như kiểm soát điện thoại”, ông Dempsey nói.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ khẳng định các quy định như vậy là hợp lý và cần thiết để hỗ trợ việc điều tra của họ. Theo bà Valerie E.Caproni, luật sư trưởng của Cục Điều tra liên bang (FBI), sự kiểm soát này phù hợp với pháp lý và nhằm bảo vệ sự an toàn của công dân cũng như an ninh quốc gia. Từ nhiều năm nay, các nhà điều tra Mỹ lo ngại sự phát triển công nghệ thông tin liên lạc có thể gây tổn hại đến khả năng giám sát của họ. Trong những tháng gần đây, các quan chức của FBI, Bộ Tư pháp, NSA, Nhà Trắng và các cơ quan khác đã liên tục họp để tìm giải pháp cho vấn đề này.

Cũng theo The New York Times, bộ phận phụ trách công nghệ của FBI năm ngoái đã cấp 9,75 triệu USD cho một số nhà cung cấp dịch vụ thông tin liên lạc để họ nâng cấp thiết bị nghe lén theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Năm nay, Mỹ dành khoản ngân sách 9 triệu USD cho việc nâng cao năng lực giám sát thiết bị điện tử của các cơ quan điều tra.

Quan ngại

Không có thông tin công khai về việc hạn chế kỹ thuật đã cản trở hoạt động giám sát của chính quyền như thế nào, nhưng những vụ việc gần đây cho thấy sự “hở sườn” nguy hiểm trong hoạt động của các cơ quan an ninh và hành pháp Mỹ.

Chẳng hạn cuộc điều tra một tập đoàn ma túy hồi đầu năm nay gặp nhiều trở ngại do những kẻ buôn lậu sử dụng phần mềm đồng đẳng (loại phần mềm chia sẻ tập tin ngang hàng giữa những người sử dụng trên internet), vốn rất khó chặn do không đi qua bộ tập trung trung tâm. Sau cùng, nhân viên tình báo buộc phải cài thiết bị nghe lén tại văn phòng của một nghi can, nhưng chiến thuật này lại chứa nhiều rủi ro. Một trường hợp khác liên quan đến âm mưu đánh bom bất thành ở Quảng trường Thời đại tại New York hồi tháng 5 năm nay. Sau khi xảy ra vụ việc, các nhà điều tra phát hiện nghi can Faisal Shahzad sử dụng một dịch vụ liên lạc không cho phép chặn thu. Vì thế, một số quan chức nói, việc theo dõi và phát hiện ra y khó khăn hơn nhiều.

Nhằm giải quyết những vấn đề trên, giới chức Mỹ đã đề xuất một số yêu cầu bắt buộc. Cụ thể, mọi dịch vụ cung cấp tin nhắn mã hóa phải hỗ trợ cơ quan an ninh trong việc giải mã, mọi nhà cung cấp dịch vụ thông tin liên lạc nước ngoài làm ăn ở Mỹ phải cho phép chính quyền sở tại chặn dịch vụ, các nhà phát triển phần mềm đồng đẳng phải tái thiết kế sản phẩm sao cho nhà chức trách dễ dàng hơn trong việc theo dõi…

Thật ra, ông Obama không phải là tổng thống Mỹ đầu tiên tìm cách “nghe lén kỹ thuật số”. Theo CNN, từ năm 1994 đã có Đạo luật hỗ trợ thông tin liên lạc để thực thi pháp luật buộc các công ty điện thoại thiết lập các chức năng nhằm hỗ trợ việc nghe lén của FBI. Kể từ năm 2001, NSA đã xây dựng những hệ thống nghe lén quy mô trong lòng nước Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại rằng quy định mới sẽ xâm phạm quyền riêng tư của người dân. Trong một bài viết đăng trên website của CNN, chuyên gia kỹ thuật an ninh nổi tiếng Bruce Schneier nhấn mạnh việc buộc các công ty thiết kế lại những sản phẩm và dịch vụ viễn thông để hỗ trợ hoạt động nghe lén của chính phủ còn khiến người Mỹ cảm thấy bất an hơn. Theo ông, bất kỳ hệ thống giám sát nào cũng “mời gọi” hành vi lạm dụng quyền hạn. Việc giám sát và kiểm soát internet rồi cũng sẽ như thế. Nước Mỹ không xa lạ với những vụ bê bối liên quan đến nghe lén, thế nên ai dám chắc điều đó sẽ không xảy ra trong tương lai? 

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.