Nơi lịch sử đi qua

02/10/2010 00:30 GMT+7

Tôi còn nhớ một bài thơ của nhà thơ Trúc Thông viết về Hà Nội từ hơn 40 năm trước, ngay trong những tháng ngày Hà Nội đánh máy bay Mỹ trên bầu trời của mình, bài thơ có đoạn: “Hà Nội ơi/Tôi yêu dưới đáy hồ lưỡi kiếm/Những thế hệ cầm soi không thẹn với cha ông/Yêu một sớm mưa người đi thưa thớt/Nhìn cây xanh thành phố bỗng đông hơn/”.

Hà Nội ngày đó dân sơ tán nhiều, nên hàng vạn hàng vạn cây xanh bỗng như “đông hơn” trên phố xá một ngày mưa. Những “công dân xanh” của thủ đô là nét đẹp thiết tha nhất của thành phố, và đoạn thơ của một thi sĩ Hà Nội khiến ta rưng rưng.

Người ta nói “Thăng Long phi chiến địa” cũng chỉ là một cách nói, thực ra, Hà Nội đã bao phen xung trận, bao phen những công-dân-người và công-dân-cây của thành phố đã xả thân để bảo vệ từng góc đường, khu chợ, từng con ngõ nhỏ. Nơi lịch sử đi qua còn để lại bao dấu tích, nơi con người Hà Nội hào hoa phong nhã từng sống, yêu thương, sáng tạo, đắm đuối với từng chiếc lá thu, từng cơn mưa rây nhẹ trên những mặt hồ, từng mái ngói lô xô một chiều nắng nhạt.

Đau với vết đạn trên thành Cửa Bắc khi cúi đầu tưởng niệm Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu, đau với những hố bom ở khu phố Khâm Thiên những ngày cuối tháng 12.1972, người Hà Nội lại ấm lòng khi nghe một lưu dân từ đất phù sa phương Nam xa xôi ngâm lên câu thơ: “Từ thuở mang gươm đi mở nước/Trời nam thương nhớ đất Thăng Long”.

Hà Nội lạ vậy đó! Có biết bao người không sinh đẻ ở Hà Nội, thậm chí chỉ ghé qua Hà Nội có một lần trước khi lên những chiến trường khốc liệt, nhưng hình ảnh Hà Nội đã ăn sâu vào tâm khảm họ. Hơn cả một thủ đô, Hà Nội là nơi bắt đầu của những bắt đầu. Tôi còn nhớ, trong những tháng năm đánh Mỹ, trước khi quay trở lại quê hương miền Nam để chiến đấu, rất nhiều cán bộ bộ đội miền Nam đã đeo ba lô đi vài vòng quanh hồ Gươm, như muốn mang cả hồ Gươm vượt Trường Sơn. Người thủ đô và người cả nước hôm nay phải biết mình có gì ở Hà Nội để gìn giữ nó: Hà Nội là ký ức của cả một dân tộc.

Tôi tâm đắc với phát biểu của bà Tổng giám đốc UNESCO khi trao bằng chứng nhận Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới: “Rất ít nước giữ được di sản qua nghìn năm mà không bị mai một theo thời gian, tôi ngưỡng mộ các bạn. Trung tâm Hoàng thành được chứng nhận là một vinh dự song cũng là một cam kết của các bạn. Các bạn có trách nhiệm với nhân loại, bảo vệ, quảng bá di sản này cho các thế hệ tương lai”.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.