“Vua kỳ nam xứ Nẫu” và cây dó bầu 160 năm tuổi

02/10/2010 16:55 GMT+7

(TNO) Võ Hiệp quê ở xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, được phong “Vua kỳ nam xứ Nẫu” vì đã trúng đậm kỳ nam và trở thành “tỉ phú”. >> Ly kỳ kỳ nam

Cũng từ đây, ông “rửa tay gác kiếm”, từ bỏ nghề đi địu (đi tìm trầm, kỳ nam), nhưng có lẽ vẫn còn “duyên số” với trầm hương nên mấy năm qua, Võ Hiệp đã lặn lội đến tận vùng rừng biên giới để tìm cây dó bầu có thân đôi hàng trăm năm tuổi làm nguyên liệu cho tác phẩm dự triển lãm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Lặn lội tìm trầm hương

“Sau đợt trúng đậm kỳ nam đó, tui bỏ hẳn nghề đi địu vì sức khỏe không còn như ngày trước nên khó mà kham nổi điều kiện khắc nghiệt của núi rừng. Nhưng tui vẫn mê trầm hương nên quyết định lên tận biên giới để tìm trầm hương làm nguyên liệu cho tác phẩm dự triển lãm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”, Võ Hiệp mở đầu câu chuyện hành trình đi tìm cây dó bầu có thân đôi hàng trăm năm tuổi làm nguyên liệu cho tác phẩm “Nam Bắc một nhà” mà ông vừa hoàn thành.

Trước khi lao vào chế tác các tác phẩm bằng cây dó bầu có trầm hương, Võ Hiệp đã có thú đam mê sưu tầm đá cảnh và đã sưu tập được hàng trăm tác phẩm. Trong giới chơi đá cảnh, ông được xếp vào tốp đầu ở Phú Yên, nhưng đó chưa phải là niềm đam mê thật sự. Cuộc đời Võ Hiệp đã có 30 năm gắn bó với nghề đi địu nên trong ông luôn thường trực suy nghĩ “nguyên liệu chủ đạo cho các tác phẩm nghệ thuật phải là cây trầm hương, như vậy mới xứng danh Vua kỳ nam xứ Nẫu”.

Vậy là, Võ Hiệp bắt đầu hành trình đi tìm cây dó bầu có trầm hương để chế tác tác phẩm mà ông đã ấp ủ bấy lâu.

“Bây giờ, rừng ở Việt Nam không còn những cây dó bầu có độ tuổi hơn 100 năm, đặc biệt là những cây đã có trầm hương. Tui phải lặn lội từ Nam ra Bắc, nhiều lần đi nhưng đành về tay không. Tui có tâm huyết và ước nguyện phải có được tác phẩm làm bằng trầm hương tham dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội để khỏi phụ lòng người đời phong tặng cho tui danh hiệu Vua kỳ nam xứ Nẫu. Điều này đã thôi thúc tui không ngại gian khó sang tận những cánh rừng biên giới Campuchia để sưu tầm. Nhưng phải nói là tui có duyên với trầm hương nên chỉ hơn ba năm đã tìm gặp được cây dó bầu hơn 160 năm tuổi rất ưng ý”, Võ Hiệp chia sẻ.


Trầm hương trong cây dó bầu của tác phẩm “Nam Bắc một nhà”

Cây dó bầu có trầm hương mà Võ Hiệp nói đến có độ tuổi trên 160 năm, là cây thân đôi cao 6,8m, chu vi thân lớn là 2,1m, chu vi thân nhỏ 1,8m thuộc loại “hàng hiếm”.

Anh Nguyễn Trường Đăng, ở xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa, Phú Yên, một “cao thủ” cũng đã có hơn 30 năm trong nghề đi địu, đã "ngã mũ" thán phục khi nhìn thấy cây dó bầu Võ Hiệp mang về.

“Cây dó bầu của Võ Hiệp làm nguyên liệu để chế tác ra tác phẩm “Nam Bắc một nhà” thuộc hàng hiếm mà tôi chưa từng thấy. Bởi hiện nay, cây dó bầu ở những cánh rừng Việt Nam cũng chỉ có tuổi hơn 60 năm nhưng phần lớn là thân đơn. Điều đặc biệt là cây dó bầu của Võ Hiệp là thân đôi, lại có hàng trăm năm tuổi nên rất khó tìm thấy”, Nguyễn Trường Đăng cho biết.

Thổi hồn vào trầm hương

Cây dó bầu thuộc hàng hiếm nếu lọt vào tay người đi địu bình thường thì nó chỉ đơn thuần là trầm hương vô hồn và trở thành hàng hóa. Nhưng với lòng nhiệt huyết, cộng với con mắt của một nghệ nhân và đôi tay khéo léo, Võ Hiệp đã thổi hồn vào cây dó bầu có trầm hương với ý tưởng ban đầu tên của tác phẩm là “Nước Giọt”.

Trong Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Ban tổ chức đã giao cho tỉnh Phú Yên 500m2 để trưng bày 300 tác phẩm sinh vật cảnh gồm các thể loại: cây cảnh nghệ thuật (bonsai), gỗ mỹ nghệ, đá cảnh tự nhiên sông Ba Hạ, gỗ lũa và đá bán quí.

Vì đã có ý tưởng từ trước nên khi có nguyên liệu, “Vua kỳ nam xứ Nẫu” cùng một người cháu bắt tay vào việc chế tác.

“Tui bắt đầu phác họa tác phẩm ra giấy cho đến khi ưng ý mới bắt tay vào chế tác. Vì là loại cây quí, hơn nữa, một tác phẩm “độc” phải luôn tôn trọng dáng tự nhiên nên tôi chỉ gọt giũa những nơi cần phải chỉnh sửa nhưng không được mắc sai lầm, nếu sai lầm thì không thể tìm đâu ra cây dó bầu thứ hai để thay thế. Tui phải cẩn trọng từng chi tiết nhỏ và cũng phải mất hơn sáu tháng tác phẩm mới hoàn thành”, Võ Hiệp tiết lộ.

Tác thẩm “Nước Giọt” có ý nghĩa gì? Võ Hiệp giải thích: “Tác phẩm là cây dó bầu thân đôi, một thân cao và một thân thấp để nói lên tình huynh đệ đồng cảm, thương yêu gắn bó với nhau. Vì quê tôi ở miền Trung gắn liền hai miền Nam và Bắc nên tôi gửi mong muốn những người Việt Nam hãy thương yêu, cùng nhau xây dựng đất nước ngày càng phát triển phồn vinh”.

Để làm tác phẩm “Nước Giọt” nổi bật hơn, Võ Hiệp còn sắp đặt hai cây dó bầu thân đơn có trầm hương đi kèm theo hai bên. Nhờ vậy, tác phẩm “Nước Giọt” đã tăng thêm giá trị mỹ thuật lẫn độ hoành tráng.


Bộ rễ của cây dó bầu có trầm hương mà Võ Hiệp chế tác thành tác phẩm “Nam Bắc một nhà”

Ông Nguyễn Trọng Đoan - Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Phú Yên cho biết: “Tác phẩm cây dó bầu có trầm hương của Võ Hiệp đại diện cho tỉnh Phú Yên tham dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nên ngoài việc nguyên liệu đặc sắc thì tên tác phẩm cũng phải nổi bật để tôn vinh tác phẩm. Lúc đầu, nghệ nhân Võ Hiệp đặt tên tác phẩm là “Nước Giọt”, nhưng sau đó anh em trong hội đã cùng bàn với tác giả thống nhất đặt tên tác phẩm là “Nam Bắc một nhà” với hàm ý dân tộc Việt Nam là một, dù rằng trong quá khứ có lúc hai miền đất nước chia cắt song cuối cùng đất nước thống nhất độc lập, Nam - Bắc một nhà. Đây là tác phẩm đặc biệt lần đầu tiên tôi nhìn thấy”.

Sự độc đáo của tác phẩm “Nam Bắc một nhà” đã được Hội sinh vật cảnh Phú Yên tuyển chọn tham dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cùng với tác phẩm “Đằng vân” bằng gỗ lũa của nghệ nhân Nguyễn Thái Sơn ở TP Tuy Hòa, Phú Yên.

Ông Đoan cho biết thêm: “Trong 300 tác phẩm thuộc thể loại sinh vật cảnh ở Phú Yên tham dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, có hai tác phẩm được Ban tổ chức đưa vào trưng bày tại Điện Kính Thiên. Đó là tác phẩm “Nam Bắc một nhà” bằng cây dó bầu có trầm hương của Võ Hiệp và “Đằng vân” bằng gỗ lũa hương nguyên khối của nghệ nhân Nguyễn Thái Sơn”.

Thiện nguyện

Nhiều người sống ở vùng đất trầm hương nhưng chưa bao giờ được chiêm ngưỡng cây dó bầu có trầm hương lâu năm có hình thân đôi như tác phẩm “Nam Bắc một nhà” của Võ Hiệp.

Ông Đoan tâm đắc: “Tôi rất ưng ý tác phẩm này, vì ngay cả tôi là người ở vùng đất trầm hương nhưng chưa từng thấy bao giờ. Đặc sắc của tác phẩm “Nam Bắc một nhà” ở chỗ là cây dó có trầm hương, thân đôi và độ cao tương đối. Nếu là người khác, họ đã khai thác trầm hương, rồi bán lấy tiền, nhưng với lòng đam mê của Võ Hiệp, nó trở thành tác phẩm đặc sắc có hồn”.

Ngoài việc đem “hàng độc” cho mọi người thưởng lãm, ý nguyện của Võ Hiệp là sẽ bán đấu giá tác phẩm “Nam Bắc một nhà” để làm từ thiện.

“Nếu đấu giá tác phẩm trên được 3,5 tỉ đồng, tui sẽ tặng Hà Nội 1 tỉ đồng, Phú Yên 300 triệu đồng làm từ thiện và tặng Ban tổ chức Đại lễ 200 triệu đồng”, Võ Hiệp tâm sự. 

Bài và ảnh: Đức Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.