GDP năm 2010 vượt 6,5%
Báo cáo của Chính phủ tại phiên họp cho biết có 16/21 chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2010 có khả năng hoàn thành, thậm chí vượt kế hoạch, trong đó 2 chỉ tiêu quan trọng là GDP vượt 6,5%, đạt 6,7% và lạm phát kiểm soát được ở mức 8%.
Ghi nhận những kết quả đạt được của nền kinh tế 9 tháng đầu năm và ước thực hiện trong năm 2010 như Chính phủ báo cáo, nhưng ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, bày tỏ: "Tốc độ tăng trưởng 6,7% chỉ có giá trị lớn nếu lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Hiện tại, với mức lạm phát tăng đột biến trong tháng 9, đưa lạm phát 9 tháng đạt 6,46%, cả năm chắc chắn khó có thể thấp hơn 8%. Đây phải coi là có vấn đề, chứ không phải một thành tích". Ông Hiển nói tiếp: "Các nước lạm phát ở mức 2%-3% họ đã thấy quá cao và phải suy nghĩ kiểm soát vấn đề giá cả. Nhưng ở nước ta mấy năm nay lúc nào cũng đặt lạm phát ở mức 7-8%. Năm 2011 dự báo nền kinh tế ổn định hơn nhưng vẫn đặt mục tiêu lạm phát 7%. Như vậy cần phải xem xét lại".
Một số chỉ tiêu kinh tế, xã hội dự kiến năm 2011 Chính phủ dự kiến GDP trong năm 2011 sẽ tăng khoảng 7-7,5% so với năm 2010. Tính theo giá thực tế, GDP của cả nước sẽ tương đương 112,8 - 113,8 tỉ USD. Tính bình quân, thu nhập bình quân sẽ đạt khoảng 1.300 USD/người. Về cán cân thương mại, Chính phủ dự kiến kim ngạch xuất khẩu ở mức 74,8 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2010 trong khi nhập khẩu đạt khoảng 89,4 tỉ USD (tăng khoảng 9,7%). Như vậy, nhập siêu sẽ dự kiến ở mức 14,6 tỉ USD, bằng 19,5% tổng giá trị xuất khẩu và cao hơn một tỉ USD so với năm 2010. Tỷ lệ lạm phát của năm 2011 tiếp tục được dự kiến ở mức 7%. |
Về tốc độ tăng trưởng kinh tế, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng với tiềm năng về tài nguyên hiện có của Việt Nam, GDP có thể tăng cao hơn.
Tăng trưởng nhưng không phấn chấn
"Chất lượng tăng trưởng còn đáng bàn hơn khi chỉ số Icor (hệ số sinh lời từ đồng vốn đầu tư) của Việt Nam rất cao. Bình thường mức 2 lần là hiệu quả, ở nước ta đang ở mức 6 lần, có những năm lên 8. Điều đó cho thấy, hiệu quả đầu tư quá thấp", ông Hiển nói.
Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, tăng trưởng vượt chỉ tiêu nhưng đang để lại những bất ổn cho nền kinh tế, đặc biệt vấn đề nhập siêu. Tuy đạt mục tiêu dưới 20% kim ngạch xuất khẩu, nhưng số tuyệt đối dự kiến là 13,5 tỉ USD, tăng 5% so với năm trước. Nếu loại trừ việc tái xuất vàng thì nhập siêu vẫn là trên 22%. Đây chính là yếu tố làm cán cân vãng lai thâm hụt khoảng 10% so với GDP. Tựu trung lại, nhập siêu kéo dài trong nhiều năm đã làm sụt giảm nguồn dự trữ ngoại hối, tăng công nợ quốc gia và gây sức ép phá giá đồng nội tệ. Thâm hụt cán cân vãng lai lớn, cùng với thâm hụt ngân sách cao, nợ công có xu hướng tăng nhanh.
Đối với mục tiêu tổng quát trong 2011, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị nên tập trung vào vấn đề ổn định vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế thay vì theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao, nhưng không có chất lượng. "Trong nhà ổn định thì mới có thể làm ăn được", ông Hiển nhấn mạnh.
Chấn chỉnh chi tiêu ngân sách
Nhiều đại biểu đề nghị xem xét lại về việc dự toán, phân bổ ngân sách nhà nước, đặc biệt vấn đề xử lý bội chi ngân sách.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, tổng thu 2010 ước đạt 520.000 tỉ đồng, tổng chi 637.000 tỉ đồng, mức bội chi vẫn còn lớn, chiếm tới 5,95% GDP. Ông Phùng Quốc Hiển cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách đều cho rằng trong điều kiện khó khăn hiện nay của ngân sách, việc thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên chưa triệt để, chi quản lý hành chính vượt dự toán cần phải được chấn chỉnh. Ngoài ra, quản lý chi tiêu chưa chặt chẽ, còn để xảy ra nhiều lãng phí, tiêu cực.
Trong năm 2011, Chính phủ đặt mục tiêu bội chi ngân sách 125.100 tỉ đồng, bằng 5,5% GDP, nhưng Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị khống chế mức bội chi 2011 ở mức giá trị tuyệt đối 120.000 tỉ đồng (5% GDP).
Anh Vũ
Bình luận (0)