Giới trẻ Trung Quốc làm gì khi trượt đại học?

05/10/2010 21:04 GMT+7

(TNO) Ba tháng sau khi tốt nghiệp THPT, chàng trai 18 tuổi Vương Minh Nguyên xin làm việc bán thời gian tại tập đoàn KTK, một trong những hãng sản xuất linh kiện đường ray hàng đầu Trung Quốc, có trụ sở ở tỉnh Giang Tô.

Không giống như những công nhân nhập cư khác, Vương vừa làm việc tại đây và vừa đăng ký khóa đào tạo hướng nghiệp 3 năm trong một chương trình vừa học vừa làm được chính quyền tỉnh Giang Tô triển khai trong năm nay.

Chương trình trên tạo nhiều cơ hội việc làm trong các lĩnh vực công nghệ cao và dịch vụ cộng đồng đối với các sinh viên theo học khóa đào tạo hướng nghiệp.

Hiện tại, mỗi tuần Vương Minh Nguyên làm việc 3 ngày ở công ty và dành 2 ngày khác để theo đuổi ngành khoa học máy tính.

“Tôi đã từng cảm thấy chán nản sau khi biết mình rớt đại học. Nhưng sau khi tham gia chương trình vừa học vừa làm, tôi nghĩ nếu làm việc chăm chỉ, tôi cũng có thể nắm bắt tốt kiến thức tương tự chương trình đại học”, Vương nói.

Thông qua chương trình vừa học vừa làm, anh chàng 18 tuổi này sẽ được trải nghiệm cảm giác ở môi trường làm việc thực thụ đồng thời cũng lĩnh hội kiến thức đầy đủ ở trường lớp.

“Đó là nền tảng tốt để tôi săn tìm công việc và phát triển nghề nghiệp sau này”, Vương cho biết.

Từ lâu, vào đại học luôn được nhiều người Trung Quốc coi là chiếc vé quyết định để vào đời. Tuy nhiên, sự gia tăng đều đặn số lượng sinh viên đại học hằng năm đã làm cho ngày càng nhiều cử nhân không tìm được việc làm sau khi ra trường.

Ngược lại, thị trường việc làm tại đất nước đông dân nhất thế giới đang rất cần những công nhân có tay nghề. Cuối năm 2009, nước này thiếu hụt đến 4 triệu lao động có tay nghề.

Tỷ lệ thất nghiệp ở các đô thị của Trung Quốc là 4,3% vào cuối năm 2009, với 9,21 triệu người không có việc làm.


Nhiều cử nhân ĐH ở Trung Quốc khó tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp - Ảnh: Trí Quang

Theo số liệu của Bộ An ninh xã hội và nguồn nhân lực Trung Quốc, năm nay cả nước này có đến 24 triệu “ứng cử viên” bước vào “cuộc chiến” săn lùng việc làm.

Tuy nhiên, thị trường việc làm chỉ có thể cung ứng gần một nửa con số trên.

Do vậy, các chuyên gia cho rằng, những chương trình vừa học vừa làm như ở tỉnh Giang Tô sẽ là cách thức hay để vừa hỗ trợ những công nhân trẻ tiếp cận nghề nghiệp tương lai, vừa giải quyết tốt phần nào vấn nạn thiếu việc làm.

Mô hình mà Vương Minh Nguyên tham gia cũng là một trong nhiều giải pháp mà Trung Quốc đang triển khai để xúc tiến thị trường việc làm và đẩy mạnh công tác huấn luyện cải thiện chất lượng nguồn nhân lực nội địa.

Ngày càng nhiều bạn trẻ Trung Quốc không có điều kiện học lên cao đã đi theo cách của Vương Minh Nguyên để tìm cơ hội lập nghiệp cho chính mình.

Cuối năm 2009, đất nước đông dân nhất thế giới có trên 6.000 trường kỹ thuật và trung tâm huấn luyện việc làm, cùng hơn 2.000 đơn vị huấn luyện hướng nghiệp tư nhân.

Tất cả cùng chính phủ tham gia các chương trình hỗ trợ những khóa học “tiền việc làm” dành cho các học sinh tốt nghiệp THCS và THPT không có điều kiện học lên cao, nhằm giúp họ nắm bắt những kỹ năng cơ bản trước khi bắt đầu tìm việc.

Trí Quang
(Theo Tân Hoa Xã)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.