Vinh danh "Con đường gốm sứ"

05/10/2010 23:59 GMT+7

Sáng 5.10, bà Beatriz Garcia Fermandez, Giám đốc pháp chế của Tổ chức kỷ lục Guinness thế giới đã trao bằng công nhận Con đường gốm sứ của Hà Nội là bức tranh ghép gốm sứ lớn nhất thế giới.

Công trình đã tạo nên vẻ đẹp cho cảnh quan đô thị. Tuy vậy, một vấn đề lớn được đặt ra, đó là việc bảo tồn công trình độc đáo và ý nghĩa này.

Con đường gốm sứ ven sông Hồng được thực hiện trong gần bốn năm (2.2007 - 10.2010), chiều dài 3.850m, diện tích 6.950m2, có 21 trường đoạn gốm là những tác phẩm nghệ thuật phác họa lịch sử VN, danh lam thắng cảnh, cùng những tinh hoa của các làng nghề gốm truyền thống như Bát Tràng, Phù Lãng, Chu Đậu, Bình Dương, Vĩnh Long, Bàu Trúc... 20 họa sĩ VN, 15 họa sĩ quốc tế, 500 thiếu nhi VN và quốc tế, 50 sinh viên mỹ thuật, hơn 100 nghệ nhân từ nhiều làng nghề gốm nổi tiếng khắp cả nước đã tham gia làm nên công trình nghệ thuật này.


Con đường gốm sứ của Hà Nội - Ảnh: Lưu Quang Phổ

KTS Lê Văn Lân, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội, cho rằng để bảo tồn công trình Con đường gốm sứ hay các công trình khác trước hết phải phụ thuộc vào chính ý thức của các nhà quản lý. “Có thể hiểu là các nhà quản lý cần đưa ra các biện pháp mạnh hay thiết thực cho việc bảo tồn. Cũng có thể hiểu chính nhà quản lý là người có thể quyết định sửa chữa hay thay đổi một công trình mà điều đó lại liên quan đến việc bảo tồn”.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, tác giả ý tưởng Con đường gốm sứ chia sẻ, kỷ lục Guinness sẽ góp phần giúp người dân có ý thức trân trọng một công trình đẹp và giá trị như vậy. Chị cho biết thêm, khi hoàn thành, con đường sẽ được giao cho TP Hà Nội quản lý. Sau đó TP sẽ giao cho các đơn vị chức năng quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, chị cũng đưa ra đề xuất để bảo vệ con đường gốm sứ, như áp dụng hình thức phạt tiền đối với chính những người xả rác, bôi bẩn, xâm phạm tới con đường này. Họa sĩ Thu Thủy dẫn chứng: “Để bảo vệ sông Hàn, TP Đà Nẵng đã áp dụng cách phạt tiền với những trường hợp người dân xả rác và tiểu tiện bừa bãi ven sông Hàn. Kết quả là hai bên bờ sông Hàn rất thơ mộng. Hà Nội cũng có thể học theo cách của TP Đà Nẵng trong việc xử phạt, quản lý này. Mức phạt có thể là 500 ngàn đồng khi người nào tiểu tiện hoặc vứt rác bừa bãi, còn người nào phát hiện hành vi sai trái được thưởng 200 ngàn đồng”.

Theo ông Trần Hùng, hội viên Hội Kiến trúc sư VN, việc bảo tồn công trình phụ thuộc chủ yếu vào ý thức của người dân. Ông cho rằng: “Không chỉ con đường gốm sứ nằm ven sông Hồng, mà còn rất nhiều các di tích lịch sử văn hóa khác như tháp Hòa Phong, tháp Bút... cũng cần được bảo vệ trước sự xâm phạm của con người”. Theo ông, sở dĩ có tình trạng này là do một bộ phận không nhỏ người dân chưa thật sự hiểu hết những giá trị văn hóa nên tỏ ra coi thường những giá trị văn hóa do mình tạo ra. “Giáo dục văn hóa, nâng cao nhận thức, giúp mọi người hiểu hết giá trị văn hóa là cả một quá trình, cần cả xã hội chung tay” - ông nói. 

Chương trình đại lễ ngày 6.10 

8 giờ: Khai mạc Liên hoan nghệ thuật diều Hà Nội tại Quảng trường Sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

8 giờ 30 phút: Khánh thành Bảo tàng Hà Nội và khai mạc triển lãm Hà Nội xưa, tại đường Phạm Hùng.

9 giờ: Khai mạc triển lãm Những tấm lòng với Thăng Long - Hà Nội, tại Cung văn hóa Lao động hữu nghị.

20 giờ: Chương trình ca nhạc tổng hợp Hào khí Thăng Long - Bài ca đất nước, tại Vườn hoa Lý Thái Tổ.

20 giờ: Khai mạc Liên hoan ẩm thực Hà thành tại Công viên nước Hồ Tây.

20 giờ: Khai mạc Festival thanh niên các nước ASEAN+3 và Liên hoan nghệ thuật Bài ca hòa bình, tại cổng Công viên Thống Nhất. 

 Phan Hậu

Minh Sang - Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.