Giá vàng, USD diễn biến bất thường

06/10/2010 22:01 GMT+7

Giá vàng, USD ngày 6.10 biến động phức tạp với những diễn biến bất thường. Sau khi vượt 32 triệu đồng/lượng, chỉ trong vòng vài giờ, giá vàng đã lên 33 triệu đồng/lượng.

Vàng cán mức 33 triệu đồng/lượng

Trong đêm 5.10, giá vàng thế giới tăng mạnh, xác lập mức kỷ lục 1.350 USD/ounce và duy trì ở 1.346 USD/ounce vào đầu ngày 6.10 (tăng 20 USD/ounce so với ngày 5.10). Thị trường vàng trong nước có một phiên tăng thẳng đứng từ mức 31,75 triệu đồng/lượng của chiều 5.10 lên 32,3 triệu - 32,32 triệu đồng/lượng (tăng 550.000 đồng/lượng). Tại các tiệm vàng, người hỏi mua nhiều khiến đà tăng của vàng cứ tiếp tục đẩy lên cao: 32,55 triệu đồng/lượng, 32,9 triệu đồng/lượng và đạt mức 33 triệu - 33,02 triệu đồng/lượng vào khoảng 12 giờ trưa. Chỉ trong vòng 3 giờ, giá vàng trong nước phá mức 32 triệu đồng/lượng và lập kỷ lục mới ở 33 triệu đồng/lượng.

Đến chiều, giá vàng giảm về khoảng 32,80 triệu - 32,85 triệu đồng/lượng, tăng trên 1 triệu đồng/lượng so với ngày hôm qua. Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, giá vàng đã tăng khoảng 3,6 triệu đồng/lượng, tương đương với hơn 12%.

Bất chấp giá vàng tăng vượt bậc, lực mua trên thị trường vẫn áp đảo lực bán. Bà Nguyễn Thị Cúc - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết tính trung bình ở tất cả các tỉnh thành như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM... cứ 3 người mua thì chỉ có 1 người bán. Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi - Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Sacombank - SBJ cho hay chỉ trong buổi sáng 6.10, lượng mua bán vàng của công ty tăng nhiều hơn các ngày trước đây.

Theo quan sát, người mua vàng ở mức giá cao như hiện nay chủ yếu là giới đầu tư, còn người dân mua không nhiều. Lý do là giới đầu tư kinh doanh vàng chỉ cần đặt cọc 7% - 10% thì có thể vay vàng ra bán, chờ giá xuống mua lại. Khi giá vàng ở mức 30 triệu đồng/lượng, một số nhà đầu tư đã thực hiện vay vàng bán xuống. Thế nhưng giá cứ tăng lên, nếu tính giá 33 triệu đồng/lượng thì đã mất 10% nên nhiều nhà đầu tư “cháy” luôn phần ký quỹ. Các nhà đầu tư buộc phải mua vàng vào trả nợ.

Lực mua vàng nhiều hơn bán khiến giá vàng liên tục đẩy lên cao. Vào khoảng tháng 6, tháng 7, các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM huy động vàng với trị giá hơn 90.000 tỉ đồng nhưng đến tháng 8 lượng vàng còn lại trong ngân hàng chỉ ở mức 64.191 tỉ đồng. Lượng khách hàng gửi tiết kiệm vàng đã thực hiện rút vàng bán ra và các công ty kinh doanh vàng đã mua vào để thực hiện xuất khẩu. Đến ngày 6.10, lực mua vàng cắt lỗ xuất hiện trong khi lượng vàng không còn nhiều đã khiến giá đẩy lên cao.

USD tăng bất thường

Không những giá USD mà các loại ngoại tệ khác cũng tăng mạnh trong ngày 6.10. Tại các ngân hàng, giá bán bảng Anh lên 31.483 đồng/bảng (tăng 420 đồng/bảng); franc Thụy Sĩ lên 20.460 đồng/franc (tăng 191 đồng/franc); đô la Úc lên 19.237 đồng/đô la (tăng 432 đồng/đô la); đôla Singapore lên 15.123 đồng/đô la (tăng 171 đồng/đô la); euro lên 27.412 đồng/euro (tăng 432 đồng/euro); đô la New Zealand lên 14.893 đồng/đô la (tăng 265 đồng/đô la)...

Tốc độ tăng giá của vàng trong nước nhanh hơn rất nhiều so với giá thế giới. Giá vàng thế giới ngày 6.10 chỉ tăng giảm trong biên độ 4 - 5 USD/ounce, trong khi giá vàng trong nước tăng hơn 700.000 đồng so với giá buổi sáng. Nguyên nhân là do nguồn vàng ít đi khiến giá trong nước cao hơn giá thế giới khoảng 700.000 đồng/lượng (chưa tính phí, thuế). Mức chênh lệch này đủ hấp dẫn nguồn vàng từ nước ngoài đổ vào thị trường nội địa, kéo giá USD tự do tăng nhanh do nhu cầu gom USD để mua vàng.

Khoảng 10 giờ sáng 6.10, giá mua USD tự do tại TP.HCM và Hà Nội đẩy lên 19.830 đồng/USD (tăng 100 đồng/USD so với ngày 5.10). Đến giờ nghỉ trưa, giá USD tự do được rao bán loạn xạ lên 19.900 - 20.000 đồng/USD. Tại một số tiệm vàng tại TP.HCM, khách hàng hỏi mua nhưng các nhân viên báo không bán vì không có hàng. Nhưng thực chất, do tình hình biến động lộn xộn nên các cửa hàng này không dám bán USD vì lo ngại sẽ không mua lại được.

Giá mua bán USD giao dịch thực tế lúc 15 giờ ngày 6.10 chỉ ở mức 19.800 đồng/USD. Giá USD giao dịch trên thị trường liên ngân hàng cũng giao động quanh mức 19.700 đồng/USD.

Tốc độ cho vay ngoại tệ nhanh ở các ngân hàng cũng được dự báo sẽ tác động đến giá USD vào những tháng cuối năm. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Giàu - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: “Nếu so với các năm, tỷ lệ tín dụng ngoại tệ năm 2010 có diễn biến khác một chút, nhưng không phải khác thường. Những năm trước, ngoại tệ huy động được nhưng nhu cầu vay ít, nên các ngân hàng phải gửi ở nước ngoài. Năm nay, nhu cầu vay ngoại tệ nhiều nên tín dụng ngoại tệ tăng. Điều này là bình thường. Đã có những ý kiến bình luận, dự báo ngoại tệ sẽ căng thẳng. Nhưng sự điều hành của Chính phủ và sự phối hợp giữa các bộ, ngành khá tốt nên không quá lo lắng". Theo ông Giàu, các ngân hàng đã có sự tính toán, quản lý chặt chẽ khi thực hiện cho vay USD. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, ngân hàng “nắm” phần chuôi, doanh nghiệp có ngoại tệ sẽ trả nợ ngân hàng. Còn doanh nghiệp nhập khẩu, ngân hàng cũng phải “trông giỏ bỏ thóc” để nhà nhập khẩu trả nợ đúng hạn.

Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.