Đến tối hôm qua, ngoài trực thăng cứu hộ, ca-nô công vụ thì vẫn chưa có một phương tiện nào tiếp cận được các vùng bị lũ dữ. Nhiều phương án chuẩn bị trước không thể triển khai vì sự hung hãn của dòng nước.
Suốt mấy ngày qua Hà Tĩnh chìm trong biển nước, các huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang... hàng vạn hộ dân bị cô lập, mọi phương tiện lưu thông bị tê liệt. Hơn 3 vạn học sinh buộc phải nghỉ học kéo dài để tránh lũ. Đến sáng qua, chuyến hàng cứu trợ đầu tiên của huyện Hương Khê mới kịp đến 17 xã với gần 17.000 hộ, khoảng 67.000 nhân khẩu bị nước lũ cô lập. Nhưng sáng qua Hà Tĩnh lại có thêm một trường hợp ở huyện Đức Thọ chết do bị lũ cuốn (chưa xác định được danh tính), nâng số người chết do mưa lũ lên 9 người. Trước nỗ lực tìm kiếm của các chiến sĩ ở Tỉnh đội Hà Tĩnh, 7 giờ sáng qua đã tìm thấy thi thể của chiến sĩ Đoàn Trọng Giáp và cô giáo Trần Thị Hoa. Tại huyện Cẩm Xuyên, các xã Cẩm Thạch, Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Vinh, Cẩm Vịnh, Cẩm Mỵ vẫn bị cô lập. Huyện Vũ Quang cũng có 7 xã với hơn 1.800 hộ dân bị ngập. Hiện thóc gạo của người dân bị lũ cuốn trôi hoặc ngập trong nước, nguy cơ thiếu đói hiển hiện trước mắt...
Thủ tướng Chính phủ chia buồn với nạn nhân vùng lũ |
Hôm qua trong công điện gửi các bộ ngành và địa phương vùng thiên tai, Thủ tướng Chính phủ đã gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến thân nhân những gia đình có người bị chết, mất tích, người bị thương. Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế cần tập trung chỉ đạo cứu trợ những người dân chưa sơ tán kịp tại các khu vực bị ngập sâu, các tàu thuyền gặp nạn trên biển; cứu chữa người bị thương, mai táng người thiệt mạng; cứu trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho nhân dân, đảm bảo không để người dân nào bị đói, khát. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương kể trên cử người canh gác, hướng dẫn việc đi lại an toàn qua các bến đò ngang, các ngầm giao thông bị ngập sâu, đồng thời tiếp tục chủ động di dời dân ra khỏi các vùng nguy hiểm do lũ quét, sạt lở đất và vùng thường xuyên bị ngập sâu đến nơi an toàn... Bùi Trần |
Tại Quảng Bình, 7/8 huyện thị của tỉnh ngập sâu trong nước. Riêng TP Đồng Hới bị chia cắt cục bộ. Tỉnh đã huy động mọi lực lượng tàu thuyền có thể, nhưng do lũ chảy xiết nên rất khó tiếp cận. Lực lượng Quân khu 4 ứng cứu cũng phải dừng lại vì bị tắc đường bộ. Mọi hy vọng đều dồn hết vào trực thăng cứu hộ. Nhưng lũ lớn đến mức bất ngờ khiến mọi phương án chuẩn bị trước đều bất lực. Theo thống kê sơ bộ, đến chiều hôm qua toàn tỉnh đã có 11 người chết và mất tích. Lúc 16 giờ 30, một chiếc trực thăng cất cánh tại sân bay Đồng Hới tiếp cận vùng nam huyện Quảng Trạch.
Tại Quảng Trị, 52 xã, phường của 8 huyện, thị xã, thành phố bị ngập lụt với số lượng trên 10.000 hộ dân (trong đó: ngập từ 0,5m đến trên 1,0m là 6.922 hộ). Đã có 3 người bị thiệt mạng. Lãnh đạo tỉnh hôm qua đã phát văn bản đề nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 1.500 tấn gạo và 3.000 áo phao cứu sinh.
Tại Thừa Thiên-Huế, đến chiều qua toàn tỉnh có 7.200 ngôi nhà và 1.800 ha hoa màu bị ngập, giao thông nhiều nơi bị tê liệt. Thiệt hại nặng nhất là giao thông, cơn lũ đi qua đã để lại hàng trăm điểm sạt lở và xói lở trên các tuyến QL1A, QL49A, QL49B, tỉnh lộ 4, 8, 9, 10A, 11B, 14B, 16... Tại TP Huế có một cháu bé 4 tuổi ở phường Thuận Lộc sẩy chân chết đuối trên sông Ngự Hà...
Ứng cứu người dân mắc kẹt trên nóc nhà - Ảnh: T.Q.N |
Tại Nghệ An, đến hôm qua đã có 10 tàu cá với 74 ngư dân gặp nạn trên biển, trong đó 3 tàu bị chìm và 7 tàu bị hỏng máy. Đến chiều tối qua, cơ quan chức năng đã liên lạc với các chủ tàu, cứu hộ thành công 3 tàu, đưa 46 ngư dân vào bờ, trong đó có 2 người tử nạn do chìm tàu. 7 tàu còn lại đang trôi tự do trên biển, lực lượng cứu nạn của Bộ đội biên phòng đang đưa tàu ra ứng cứu và kêu gọi những tàu thuyền trong khu vực đến tham gia cứu nạn. Trong khi đó ở ga Vinh, 4 tàu khách (S1, S3, S5, S7) từ Hà Nội đi Sài Gòn bị mắc kẹt từ đêm 4.10 đến tối qua vẫn chưa thể chuyển bánh. Huyện Diễn Châu có thêm 1 người chết đuối, nâng số người chết và mất tích ở Nghệ An lên 8 người trong đợt mưa lũ này (trong đó có 2 người chết do sét đánh ngày 2.10 tại H.Yên Thành).
Cứu dân trong lũ xoáy Hôm qua, lực lượng cứu hộ huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình lại thêm một ngày dầm mình dưới mưa gió, vật lộn trong dòng lũ xoáy để cứu dân đang chấp chới trong nước bạc.
Vừa xong thì một anh trung niên nhà phía sau bấu vào vạt chuối men ra hét lớn: “Cứu ba mẹ tôi với, ông bà già lắm rồi”. Phải mất một lúc sau mới đưa được ông bà từ trong nhà ra vì cả hai đang trốn lũ tận trên nóc, sức lại yếu không thể tự xuống được. Ông là Nguyễn Bình (88 tuổi) còn bà tên Nguyễn Thị Điểu (79 tuổi), lên được xuồng một lúc rồi mà vợ chồng ông nói không ra tiếng, mặt tái nhợt, tay chân run bần bật. Trương Quang Nam |
Ngay trong ngày hôm qua, Đoàn Công tác xã hội Báo Thanh Niên đã có mặt tại Quảng Bình để triển khai công tác cứu trợ. Trước mắt, Báo Thanh Niên giúp đỡ cho gia đình mỗi người bị thiệt mạng trong trận lũ này 3 triệu đồng. Trong ngày hôm nay, lãnh đạo Trung ương Đoàn TNCS HCM và Đoàn Công tác xã hội Báo Thanh Niên phối hợp với Tỉnh Đoàn, Hội LHTN VN các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh tìm mọi cách tiếp cận để cứu trợ những vùng khó khăn nhất. Thanh Niên |
Chia sẻ cùng các nạn nhân xấu số Sáng qua, thi thể anh Đoàn Trọng Giáp, chiến sĩ thuộc Đại đội 17, Bộ Chỉ huy quân sự Hà Tĩnh bị lũ cuốn trôi trong khi đang làm nhiệm vụ cứu trợ cho dân được tìm thấy. Anh Giáp là một Bí thư chi đoàn ưu tú, ra đi để lại người vợ trẻ và đứa con mới hai tháng trong bụng mẹ. Nhìn người vợ trẻ ôm lấy thi thể chồng nghẹn ngào, hàng trăm người dân có mặt không thể kìm được nước mắt.
Trong khi đó, khi tìm thấy thi thể cô Trần Thị Hoa, giáo viên trường Mầm non xã Hương Thủy, huyện Hương Khê (bị lũ bất ngờ cuốn trôi trong khi đi dạy về), ông Nguyễn Trọng Phú, Chủ tịch UBND xã Hương Thủy chia sẻ với Thanh Niên: “Gia đình cô Hoa rất khó khăn, cô ra đi để lại người chồng và hai đứa con thơ, đứa đầu 7 tuổi, đứa sau 3 tuổi. Giờ gia đình chị lại đang khốn khổ với trận lũ quét mấy ngày qua”. Trương Hoa |
T.Hoa - Thế.Thịnh - T.Q.Nam - N.Phúc - B.N.Long - Khánh Hoan
Bình luận (0)