Làm tranh bằng ngũ cốc, dây điện

07/10/2010 09:36 GMT+7

Ở miền Tây Nam Bộ, họa sĩ Đỗ Năm được nhiều người biết tiếng bởi những bức tranh của ông được ghép từ những chất liệu đặc biệt, gắn bó với cuộc sống của người dân xứ miệt vườn như: hạt gạo, hạt lúa, hạt đậu, hạt mè, trái điệp... Gần đây, ông còn sáng tạo tranh từ dây điện.

Tranh ngũ cốc

Trong bộ tranh ngũ cốc của mình, ông Năm tâm đắc nhất với bức Chiến thắng Tầm Vu (0,6m x 0,9m), đoạt Huy chương bạc triển lãm toàn quốc năm 1987. Ông tâm sự: “Tôi quý bức tranh không phải vì giải thưởng mà nó đoạt được mà chính vì bức tranh đó được tạo thành từ 13 loại hạt như: hạt lúa, gạo nếp, gạo tẻ, đậu đỏ, đậu xanh, đậu đen, đậu trắng, mè trắng, mè đen, hạt é...”. Đỗ Năm bật mí, ông ấp ủ ý tưởng sáng tạo bức tranh này từ 23 năm trước. Trải qua một thời gian dài nhưng màu sắc của các loại hạt trong bức tranh vẫn giữ được y như cũ. Mắt thường nhìn vào thật khó nhận biết được bức tranh đã có tuổi thọ đến hơn hai mươi năm. Bí quyết để giữ cho các loạt hạt không bị mối mọt và màu sắc tươi tắn cũng do chính ông tự sáng chế: “Tôi pha chế một số tinh dầu cây trái trong thiên nhiên với hóa chất theo công thức riêng, qua quá trình tự tìm tòi, khám phá, rồi phun lên tranh để bảo quản”.

Ngoài việc dùng những chất liệu như: trái dừa, trái điệp, vỏ tràm, các loại hạt ngũ cốc... để ghép nên tranh, ông Năm còn kết hợp việc vẽ và khắc chìm khắc nổi lên gốc cây… Như trong bức phù điêu Trường ca hai cuộc kháng chiến, người họa sĩ này đã khắc lên gốc gỗ mít cao 1,7m, đường kính 0,4m gần 1.000 nhân vật và các phương tiện chiến đấu của nhân dân ta qua hai cuộc kháng chiến cứu nước. Hoặc cũng trong bức tranh Đua ghe ngo - 1987, ông đã vẽ và khắc lên trái điệp hình ảnh chiếc ghe ngo của người Khmer Nam Bộ thường xuất hiện trong lễ hội Oóc-om-bok. Họa sĩ Đỗ Năm gắn bó với tranh ngũ cốc chỉ vì: “Thiên nhiên nơi đây rất đẹp. Có lẽ chính vì vậy mà tôi nảy ra ý tưởng lấy các loại hoa, trái, củ, hạt để tạo nên những bức tranh thấm đẫm văn hóa của vùng sông nước Nam bộ. Tôi không sinh ra và lớn lên tại đây, nhưng có lẽ vùng đất này sẽ gắn bó với tôi suốt đoạn đường đời còn lại”.  

Tranh dây điện

Nếu trước đây, người ta chỉ biết đến họa sĩ Đỗ Năm qua tranh ngũ cốc thì gần đây tên tuổi ông còn được biết đến qua loại tranh làm từ dây điện. Cái duyên đẩy đưa ông đến với loại hình tranh lạ này cũng không có gì bất ngờ. “Trong một lần tình cờ vào Bưu điện TP Cần Thơ, tôi thấy những cọng cáp điện thoại cũ có nhiều màu sắc bắt mắt. Tôi chợt nghĩ “sao mình không làm tranh bằng chất liệu này”, ông Năm tiết lộ.

Có ý tưởng là ông bắt tay vào thực hiện ngay. Ông trao đổi với Giám đốc Sở Bưu điện và quyết định thực hiện một bức Bản đồ thế giới. Bức tranh có diện tích 50m2 (khổ 5m x 10m) được ghép từ hàng vạn mảnh dây điện cắt nhỏ ghép lại và phủ keo bảo vệ. Dây điện là loại vật liệu bền, mỗi sợi cáp có tới mấy chục sợi nhỏ đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng... có thể cắt ra, ghép lại thành một bức tranh theo những chủ đề nhất định. Ông nói: “Trong các thể loại tranh khác như sơn dầu chẳng hạn, người họa sĩ muốn thể hiện độ đậm nhạt của bức tranh không khó, nhưng tạo hình tranh bằng dây điện thì không phải chuyện một ngày một bữa vì màu của dây điện tuy rực rỡ nhưng màu nào ra màu đó. Cái khó là ở cách pha màu sao cho hài hòa và bức tranh có hồn”.

Hiện nay, ông Đỗ Năm có trên chục bức tranh bằng dây điện với các chủ đề khác nhau: tranh về Bác Hồ, sông nước miền Tây, con người trong kháng chiến... Những bức tranh này được trưng bày tại nhà ông và ở cả Bảo tàng Bến Nhà Rồng, TP.HCM.

Bài & ảnh: Nguyễn Trực

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.