Ngày 24.9 vừa qua, tại làng Kà Tu, thôn Tà Cơm, xã Sơn Thủy, huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) đã xảy ra vụ giết người mà nguyên nhân cũng vì tệ nghi cầm đồ thuốc độc (CĐTĐ).
Lợi dụng ông Đinh Văn Nên (56 tuổi) đang ngủ một mình ở nhà, 4 hung thủ ở cùng làng gồm: Đinh Văn Tranh, Đinh Văn Trĩu (cùng 31 tuổi), Đinh Văn Hiền và Đinh Văn Tiên (cùng 17 tuổi) đã dùng gậy đánh đến chết rồi đổ thuốc diệt chuột lên xác nạn nhân nhằm che giấu tội lỗi.
Tuy nhiên qua điều tra, khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng đã phát hiện phía sau đầu của ông Nên có vết thương khoảng 5cm. Lúc đó, mọi người mới biết nguyên nhân ông Nên chết là do bị đánh đập. Ngay lập tức 4 hung thủ đã bị bắt và thú nhận tội lỗi.
Ông Nguyễn Ích Long - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy cho biết, lâu nay dân làng nghi ông Nên có CĐTĐ vì ngày ngày cứ đi lang thang, nói lung tung chuyện và tỏ thái độ không sợ ai cả.
Lo sợ ông Nên sẽ dùng “đồ thuốc độc” để “yểm bùa” gây đau ốm hoặc chết người nên cuối tháng 12.2009, nhiều người trong làng Kà Tu đã kéo đến đập phá nhà ông Nên tan hoang.
“Sợ ông Nên bị đánh chết, chính quyền địa phương đã dọn dẹp nhà kho của xã đưa ông Nên đến ở tạm. Hai tháng sau, vụ việc lắng dịu, mới làm nhà cho ông Nên về ở. Rốt cuộc, ông Nên cũng bị đánh chết vì hủ tục”, ông Long nói.
Chính vì nghi ông Nên có CĐTĐ nên người dân làng Kà Tu khi nói đến cái chết của nạn nhân không hề mảy may thương xót mà còn cho đó là việc bình thường.
|
Từ lâu nay, ở các huyện miền núi Quảng Ngãi, trường hợp bị đánh đến chết do nghi CĐTĐ như ông Nên năm nào cũng có vài ba vụ, thậm chí đã xảy ra nhiều vụ mà hung thủ chính là người thân.
Điển hình như vụ ông Đinh Hà Roan, ở thôn Làng Riềng, xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà, bị 8 người trong làng đánh chết thì đã có 5 người gọi ông Roan bằng chú và cậu ruột.
Còn tại xã Ba Trang, huyện Ba Tơ vào năm 2003, bà Phạm Thị Rối, ở thôn Nước Đang do bị nghi có “đồ độc” nên con cháu trong nhà lôi ra đánh đập nhưng nhờ chính quyền địa phương can thiệp kịp thời nên thoát chết.
Hay như cái chết của Phạm Văn Nao ở xã Ba Tô, huyện Ba Tơ vào năm 1979, đến giờ vẫn còn ám ảnh nhiều người bởi bị đào hố chôn sống nhưng gia đình không dám nói một lời.
Tệ nghi CĐTĐ đã gây ra nhiều cái chết thương tâm do bị đánh đập. Nhiều người bị nghi, do lo sợ quá phải tự tử hoặc bỏ làng vào rừng lánh nạn.
Mặc dù nhiều hung thủ đã bị pháp luật trừng trị nhưng xem ra hủ tục vẫn cứ âm ỉ tại các bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi Quảng Ngãi.
Chỉ tính riêng tại huyện Ba Tơ, theo thống kê của Công an huyện từ năm 1999 đến tháng 6.2009, trên địa bàn huyện đã xảy ra 61 vụ với 67 người bị nghi CĐTĐ. Hậu quả làm 12 người bị thương; 2 người, 1 gia đình phải bỏ nhà, bỏ làng ra đi; 3 người vì quá lo sợ đã tự tử chết.
Qua phân tích, nguyên nhân tệ nghi CĐTĐ là do nhận thức của người dân thấp, hủ tục lạc hậu vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của nhiều người, đồng thời chính quyền địa phương, mặt trận và các hội đoàn thể, kể cả lực lượng công an xã một số nơi không nắm chắc tình hình để giải quyết triệt để, đặc biệt là giải tỏa tư tưởng, tâm lý của người nghi dẫn đến họ mê tín, mù quáng tin theo lời thầy cúng.
Bài, ảnh: Hiển Cừ
Bình luận (0)