Hát mộc

08/10/2010 00:54 GMT+7

Cũng có ca sĩ, nhạc công, đèn màu, và tất nhiên không thiếu tiếng vỗ tay của những người thưởng thức. Nhưng, không như các tụ điểm ca nhạc hay phòng trà, "sân khấu" ở đây... lạ hơn nhiều!

Chỉ cần 3 chiếc ghế!

Vậy thôi, cũng đủ làm thành nơi biểu diễn của các ca sĩ, của những người yêu ca hát (dĩ nhiên kèm theo là khiếu ca hát). Nơi biểu diễn ấy có khi là chiếc bục gỗ đủ để 3 người ngồi, hoặc những chiếc ghế hay từng bục gỗ nhỏ…, tùy cách bài trí của từng quán. Đơn giản vậy, nên người đánh đàn hay hát cũng không cần đến micro hay dàn âm thanh nào, cứ thế chuyển tải những thanh âm tự nhiên nhất, trong trẻo, mộc mạc nhất đến người nghe, trong không gian cũng thật ấm áp, gần gũi, thân tình (chỉ khoảng 30 - 50 khán giả).

Thời gian gần đây, mô hình cà phê nhạc sống trong không gian nho nhỏ, xinh xinh ở TP.HCM được các bạn trẻ ưa chuộng. Và như tính chất mà nó thể hiện, sự ra đời của những "quán nhỏ" này không rầm rộ, nơi nó "ngự trị" cũng thật yên ắng - thường trong các con hẻm, cả lối vào của hầu hết các quán đều khiến người đến xem cảm thấy hồi hộp và muốn khám phá. Đó là con đường hẹp phủ dây leo hai bên dẫn vào Đen & Trắng, Princess and the pea đón khách trong ánh đèn vàng tỏa ra từ trên cao cùng những bức tranh cổ điển treo dọc lối đi... Không lãng mạn nhưng đầy bí ẩn là lối vào của Bệt, Vừng... với ánh điện vừa đủ sáng để thấy lối lên cầu thang, hay Ngôi nhà số 7 khuất sâu trong một con hẻm với lối đi ngoằn ngoèo và... âm u. Khán giả yêu sự lãng mạn hay chỉ cần muốn đến một nơi có thể hòa vào không gian êm dịu của tiếng guitar thùng, tiếng hát mộc... còn có: Lít, Yên, Hoa cà phê, Cooku's Nest...

Đàn, hát không để nổi tiếng

Đó chính là điều mà có lẽ ai cũng cảm nhận được ở các "ca sĩ" của những quán cà phê nhạc sống trên. Với họ, hát là để thỏa niềm đam mê, để giao lưu, chia sẻ tình yêu âm nhạc với những người cùng sở thích. Bởi thế, trừ số ít ca sĩ là những người biểu diễn ở phòng trà hoặc xuất thân từ Nhạc viện (Quang Đại, Hoàng Lan, Võ Hạ Trâm, Huy Luân...), chiếm phần lớn đội ngũ ca hát này là sinh viên, đặc biệt là trường ĐH Kiến trúc TP.HCM (Trần Tuấn, Thanh Hà, Thanh Hằng, Khắc Tùng, Thái Thiện Hảo...).

Huy Hoàng (chủ của The Journey) cho biết: "Mình mở quán không ngoài mục đích để có nơi sinh hoạt văn nghệ cho các bạn có cùng đam mê, chủ yếu là anh em trong đội văn nghệ của trường Kiến trúc. Vì vậy, mọi người đến với nhau rất thân tình và thoải mái trên tinh thần: đàn, hát cho nhau nghe...". Còn Thiên Kim - chủ quán Bệt thì chia sẻ: quán chủ trương mời ca sĩ không chuyên, quan trọng là các bạn thật sự yêu thích công việc không màng danh tiếng này. Quả thật, dường như các ca sĩ đều xem việc biểu diễn của mình là điều gì đó cần thiết cho tinh thần, cho sở thích hơn là tiếng tăm. Như Thái Trinh (cô học sinh Bùi Thị Xuân nổi tiếng trên mạng với clip The show), "Hát, với em, như để thư giãn, giải khuây sau những giờ học căng thẳng", hay Thanh Hà (ĐH Kiến trúc) thì "dù có nhiều lời động viên em nên phát triển thêm, nhưng em sẽ hát như vậy thôi"...

Tuy nhiên, khi không màng danh tiếng, khi chữ "mộc" được đưa lên thành tiêu chí cho những sân khấu này, một số nơi đã biến tính chất mộc thành... dễ dãi, hát sao cũng được. Vậy nên, nếu là khách từng la cà nhiều quán, sẽ không khó để gặp trường hợp: trên thì ca sĩ hát, dưới khán giả vẫn ồn ào và không ngại nói thẳng "vì bạn hát không hay " khi được hỏi: "sao các bạn nói chuyện nhiều thế"...            

Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.