Theo thiết kế dự án khai thác bauxite tại khu vực Tây Nguyên, hồ chứa bùn đỏ được chia thành nhiều bậc đập. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng 8 ô chứa bùn đỏ, kéo dài cho 12 năm sản xuất, công việc xây lắp tuần tự là xây ô thứ hai sẽ tiến hành thải ô thứ nhất, nhằm đảm bảo sự cố các hồ chứa không bị tràn bùn. “Với thiết kế này, cứ một ô thải có một ô dự phòng, tức là thải một năm có một năm dự phòng các sự cố xảy ra. Việc xây lắp các ô chứa được tiến hành song song với xây dựng, hoàn thiện nhà máy”, ông Hòa nói. Dung tích mỗi ô chứa được lượng bùn thải ra trong khoảng 1,5 - 2 năm.
Ngoài ra, có một số phương án phòng tránh khác như điểm cuối hồ bùn đỏ có một cống chặn và cống này sẽ đóng chặt trong mọi trường hợp cần thiết nhằm chặn bùn tràn nếu có.
Cũng theo ông Hòa, các dự án sản xuất alumin trong nước hiện nay đều sử dụng công nghệ Trung Quốc nhưng chuẩn quốc tế (theo tiêu chuẩn công nghệ Bayer). Được biết, cuối tháng 12 tới đây sẽ bắt đầu tiến hành chạy thử dây chuyền sản xuất alumin tại các dự án (Tân Rai, Nhân Cơ) của TKV. Hiện tại, TKV đang chạy thử từng phần, theo trình tự nếu các nhà máy nước, điện, khí hóa chạy tốt mới tính đến sản xuất alumin.
Ông Hòa cũng cho biết, việc đảm bảo an toàn cho môi trường cũng đã được tính toán kỹ lưỡng. Bùn chứa ở các ô sẽ lắng đọng, thu hồi pH để bùn khô dần và hoàn nguyên, sau đó sẽ đóng hồ, phủ lớp vải chống thấm cả bên trên và bên dưới, rồi rải lớp đất khoảng 1m lên trên. Theo đó, cứ hai năm xả bùn sẽ mất ít nhất 3 năm để đất bùn hoàn nguyên lại thành đất tái sử dụng được.
Bài học từ sông Danube
Gbor Figeczky, quyền Giám đốc Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) - Hungary, cho hay hệ quả của thảm họa này nghiêm trọng đến nỗi khó có thể đánh giá chính xác. Ông Figeczky nhận định tổn thất đối với hệ sinh thái còn dữ dội hơn do các hóa chất đang được dùng để trung hòa độ kiềm của lũ bùn cũng độc hại không kém. “Một số động vật và cây cối chết ngay lập tức, một số khác sẽ bị nhiễm độc về lâu dài khi các kim loại nặng trong bùn đỏ tích tụ trong cơ thể chúng”, ông nói. Bùn đỏ là sản phẩm phụ của quá trình tinh chế bauxite thành oxide nhôm, nguyên liệu cơ bản để sản xuất nhôm. |
Cơn lũ bùn đỏ do vỡ hồ chứa chất thải của một nhà máy nhôm tại miền tây Hungary hôm qua tràn đến Mosoni-Danube, một nhánh phía nam của sông Danube. AFP dẫn lời Tibor Dobson, người đứng đầu cơ quan ứng phó thảm họa địa phương, cho hay đến 14 giờ 30 (giờ VN), lượng bùn độc hại đã đổ vào nhánh sông trên, gần biên giới giữa Hungary với Slovakia và Áo, và đến 17 giờ bùn đỏ tiến thẳng vào dòng chính của Danube. Trước đó, đã cảnh báo nếu lũ bùn đỏ đến được Danube, con sông lớn thứ hai châu u, những quốc gia có thể bị ảnh hưởng bao gồm Croatia, Serbia, Romania, Bulgaria, Ukraine và Moldova.
Lũ bùn độc đã nhuộm đỏ một khu vực rộng đến 40 km2, phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng ở thị trấn Ajka, giết chết ít nhất 4 người và hơn 100 người bị bỏng hóa chất và cay mắt. Nhà chức trách Hungary cho biết đến sáng 7.10, độ pH của dòng lũ bùn vào khoảng 9,3, cao hơn mức bình thường nhưng thấp hơn nồng độ ban đầu là 13. Loại bùn đỏ này, chứa nhiều chất vô cùng độc hại như chì, chrome và thạch tín, tấn công vào móng, tóc, da, mắt cũng như những cơ quan nội tạng như gan, thận, đồng thời có khả năng gây ung thư. Ông Dobson cũng cho biết toàn bộ hệ sinh thái của sông Mascal, một con sông nhỏ trong vùng, đã bị bùn độc hủy diệt hoàn toàn.
Mai Hà - Thụy Miên
Bình luận (0)