Cần bịt kẽ hở “chạy trường”

10/10/2010 23:44 GMT+7

Nhiều bạn đọc đã bày tỏ bức xúc trước thực trạng giáo viên “chạy trường” sau khi đọc bài viết Một cán bộ nhận “chạy trường” 25 triệu đồng đăng trên số ra ngày 8.10.

Thật là đáng buồn

Trường chuyên là nơi tập hợp những giáo viên có tâm huyết, có kinh nghiệm, có năng lực sư phạm và phải có cái tâm. Trường học là nơi đào tạo nhân tài cho đất nước, vậy mà lại có chuyện “chạy trường”. Chỉ cần 40 triệu để đánh đổi cả một tương lai. Thật là đáng buồn. Tôi thiết nghĩ vụ này cần phải được xử lý nghiêm để làm gương cho những người khác và để cho giáo viên chúng tôi được yên tâm “trồng người”.

Nguyễn Thị Thu Hương (Ninh Phước, Ninh Thuận)

Chuyện bình thường

Đây là chuyện bình thường và phổ biến trong ngành giáo dục từ Nam chí Bắc, chỉ có điều là không ai dám nói ra. Cha mẹ cho con ăn học 4 năm đại học, sau khi ra trường cũng chỉ mong con mình có chỗ kiếm cơm để sống nên phải chấp nhận chi tiền ra để lo thôi. Cho dù có tốn kém mấy cũng phải cố. Tôi có mấy anh bạn có con học sư phạm phải chuẩn bị sẵn tiền để khi con mới ra trường mà “chạy”. Tôi cho rằng cần phải có những thay đổi lớn về việc phân công, phân nhiệm công tác sau khi ra trường cho sinh viên sư phạm, có như vậy mới dẹp bỏ được nạn “chạy trường”.

(plexuanphong@yahoo.com.vn)

Cái gì cũng bán được

Tôi thấy chuyện này đâu chỉ có ở Ninh Thuận! Quý báo cứ làm một cuộc điều tra vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 hằng năm ở các tỉnh thì sẽ thấy nhiều vô kể. Tội nhất là những SV sư phạm mới ra trường, nếu không có tiền “chạy” thì ở nhà làm ruộng. Tôi có một người bạn ở Thanh Hóa, cậu ấy mới chạy được suất biên chế với cái giá (mà cậu ấy cho là hời) là 60 triệu đồng! Hy vọng năm học tới, vào dịp các tỉnh tuyển công chức (chủ yếu là ngành giáo dục), quý báo sẽ có những bài phóng sự - điều tra về thực trạng này. Xin cám ơn.

Lê Thương (lethuongcs@gmail.com)

Cần áp dụng cả 2 hình thức

Trường hợp xảy ra tại Ninh Thuận chỉ là bề nổi của vụ việc do ông T. nhận tiền nhưng không làm được, dẫn đến bên đưa tiền đi kiện. Nếu vụ việc ổn thỏa liệu có ai phát hiện việc nhận tiền “chạy trường” của ông T.? Sau khi vụ việc xảy ra, việc xử lý của Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận cũng chưa thỏa đáng. Theo tôi nghĩ, cảnh cáo, kỷ luật hoặc buộc thôi việc sẽ không đủ sức răn đe những trường hợp khác. Ngoài ra, trong hệ thống giáo dục cần phải có quy định cụ thể về việc phân công giảng dạy, khi có quy định rồi thì cứ thế mà thực hiện, người bị phân công sai quy định có quyền kiện ra tòa. Áp dụng cả hai hình thức như vậy, kẽ hở về việc “chạy trường” sẽ bị thu hẹp.

Trần Thanh (Q.1, TP.HCM)

Ban CTBĐ
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.