Đặc sản xứ Quảng ở Sài Gòn

10/10/2010 10:50 GMT+7

Gần 40 năm theo nghề, bà Đinh Thị Phú đã giúp những người con xa xứ Quảng thỏa nỗi nhớ quê từ những chiếc bánh mộc mạc.

“Cô ơi, bán cho con 5 cặp bánh rò”. “Dì ơi, gói cho cháu 5 cái bánh tổ, 5 cái bánh ú, 10 bánh lá gai”. “Chị ơi, lấy cho tôi bịch bánh đậu xanh, một bịch bánh thuẫn và một hộp xôi ngọt”...
 
Những khách hàng thân quen liên tục ghé vào tiệm bánh Bà Ngất và vội vã ra về với những đặc sản trên xe để nhường chỗ cho người khác. Mấy mươi năm nay, tiệm bánh Bà Ngất đã quen thuộc với người dân Sài Gòn khi họ muốn tìm mua những món bánh chỉ có ở xứ Quảng. 
 
Khởi nghiệp từ chiếc bánh ú
 
Tiệm bánh Bà Ngất nằm tại số 105-107 Sơn Hưng, phường 11, quận Tân Bình - TPHCM, ngay cạnh chợ Bà Hoa - một trong những khu chợ của người Quảng giữa Sài Gòn. Những chiếc bánh ú, bánh rò, bánh lá gai, bánh in, xôi ngọt, bánh tổ, bánh thuẫn... vừa ra lò còn nóng hổi được xếp ngăn nắp trên kệ.
 
Trong nhà, những người làm công đang lau lá, xào nhân chuẩn bị cho đợt bánh mới. Mùi nếp mới quyện cùng mùi gừng, đậu, mè tỏa hương ngào ngạt.
Bà Đinh Thị Phú, chủ tiệm, năm nay đã 70 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, gương mặt phúc hậu.  

Quê bà ở xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên - Quảng Nam. “Tôi cùng gia đình vào Sài Gòn năm 1974. Ngày ấy, chợ Bà Hoa chỉ có vài gian hàng và cư dân còn thưa thớt. Từng là y tá nhưng vào đến đây, tôi không thể sống được với nghề. Nghĩ tới nghĩ lui, tôi bàn với chồng thử làm những loại bánh đặc sản của quê nhà để kiếm tiền nuôi 7 đứa con ăn học”- bà Phú nhớ lại.
 
Trong tâm trí bà lúc ấy, những chiếc bánh được gói bằng lá chuối ở quê trong những dịp lễ, Tết hiện dần lên. “Đầu tiên, tôi gói thử bánh ú để bán. Không ngờ, bánh làm ra được người dân xung quanh mua hết. Hôm sau, tôi tiếp tục mua thêm nếp làm bánh và cũng được bán hết”.
 
Từ vài ký nếp ban đầu, bà bắt đầu tăng dần lên 5 kg, 10 kg rồi 20 kg... Khách hàng truyền tai nhau, tìm đến tấp nập. Tiệm bánh Bà Ngất ra đời. Bà Phú tiết lộ: “Ngất là tên của chồng tôi”.
 
Chăm chút từng chiếc bánh
 
Cho tôi xem những chiếc bánh rò, bánh ú còn nóng hổi mà bên ngoài những chiếc lá chuối sau khi nấu chín vẫn còn xanh, bên trong hạt nếp vừa chín tới dẻo thơm cùng nhân đậu xanh, bà Phú tâm tình: “Bánh rò, bánh ú không thể thiếu trong những dịp lễ, Tết. Với các loại bánh này, phải chọn nếp Bắc để khi nấu lên dẻo và thơm lâu. Đậu xanh phải lựa loại hạt nhỏ đều, không bị sượng. Đậu sau khi đãi vỏ nấu chín, được đánh nhuyễn trộn với gia vị. Còn với bánh lá gai, nếp sau khi được xay, bồng lại cho khô, lá gai quết nhuyễn trộn vào bột chứ không được sử dụng phẩm màu...”. 
 

Bà Đinh Thị Phú cho biết: “Tôi luôn quan niệm món ăn không chỉ ngon mà còn phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì thế, trong khâu lựa chọn nguyên liệu, tôi ưu tiên những thực phẩm ngon nhất, tốt nhất để làm ra những chiếc bánh chất lượng nhất”.

Với bà Phú, mỗi loại bánh đều được chăm chút và có những bí quyết riêng. Đó là kinh nghiệm mà bà tích lũy qua mấy mươi năm miệt mài làm bánh. Anh Dương Hữu Bàn, con rể của bà, kể: “Một lần, vào dịp cuối năm, khi chúng tôi dọn cửa hàng để chuẩn bị ăn Tết, có một khách hàng đến đòi mua bánh đậu xanh. Khi tôi trả lời đã hết bánh, khuyên chị nên mua bánh ở chỗ khác thì chị đáp: “Tôi chỉ mua bánh Bà Ngất mà thôi”. Nói xong chị ra về. Chính sự tin yêu của khách hàng đã khiến mẹ tôi hết lòng với nghề”.
 
Nuôi con thành tài
 
Gần 40 năm theo nghề làm bánh, từ những chiếc bánh ú ban đầu, đến nay, tiệm bánh Bà Ngất có vài chục loại bánh khác nhau. Ngoài ra, dịp Tết, bà Phú còn làm cả bánh tét, dưa món. Đặc biệt, bà còn sản xuất tương ớt, một gia vị được nhiều nhà hàng ở TPHCM đặt mua cho những món ăn như phở, mì Quảng, bún bò, cơm gà.
 
Nghề làm bánh đã giúp bà Phú nuôi 7 người con ăn học thành tài, trong đó có 2 người là bác sĩ, 3 người là dược sĩ. Hiện các con của bà đang định cư ở nước ngoài. Trong những lần sang thăm con, bà cũng tranh thủ làm bánh để bán. “Không ngờ, bà con người Việt bên Mỹ mua rất nhiều. Không những thế, nhiều Việt kiều ở Pháp, Canada, Úc... mỗi khi về Việt Nam còn ghé tiệm mua bánh mang đi để làm quà cho người thân bên ấy”.
 
Tiệm bánh của bà Phú còn giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động. Anh Nguyễn Văn Bé Ba, quê ở Tây Ninh, gắn bó với tiệm suốt 15 năm qua, cho biết: “Trước đây, tôi làm công nhân ở làng dệt Bảy Hiền. Nghe nhiều người quen giới thiệu, tôi đến đây xin làm công. Tuy là người làm nhưng dì Phú coi chúng tôi như con cháu. Ngày tôi cưới vợ, dì đứng ra tổ chức hôn lễ. Không những thế, dì còn dạy tôi bí quyết của nghề. Đến nay, vợ tôi đã có tiệm bánh riêng nhờ sự chỉ dẫn của dì”.
 
Còn anh Lê Công Minh, quê ở Bình Thuận, phụ trách gói bánh in, xúc động: “Không chỉ được dạy nghề, chúng tôi còn được lo chỗ ăn ở. Mỗi khi chúng tôi ốm đau, bệnh tật, bà đều chăm sóc như con cháu trong nhà”.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.