Bác sĩ ở bệnh viện công: Hết thời chân trong, chân ngoài!

12/10/2010 10:26 GMT+7

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa (31-12-2010) là thời hạn cuối để cán bộ, công chức (nói chung là bác sĩ đang công tác trong các bệnh viện, cơ sở y tế công lập) “đoạn tuyệt” với hành nghề y, dược tư nhân.

Đó là nội dung của mục 7, Điều 79 Thông tư hướng dẫn Pháp lệnh về hành nghề y, dược tư nhân đã được Bộ Y tế ban hành. Trong những ngày này, rất nhiều bác sĩ đang công tác trong các bệnh viện công nhấp nhổm vì không biết có còn được tiếp tục hành nghề phòng mạch tư hay không.

Ngồi trên đống lửa

Những ngày qua, bác sĩ N.V.S. ở một bệnh viện công của TPHCM lo lắng vì vừa xin gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y cho phòng mạch tư của mình nhưng Sở Y tế chỉ cho gia hạn hoạt động đến 31-12-2010. Bác sĩ S. cho biết: “Bao nhiêu năm mở phòng mạch. Bây giờ mà bắt đóng cửa thì quá thiệt thòi”.

Ghi nhận của chúng tôi tại các phòng y tế quận huyện cho thấy, có rất nhiều hồ sơ xin gia hạn giấy phép hoạt động phòng mạch tư của bác sĩ công tác tại bệnh viện công đang bị dồn ứ. Lãnh đạo phòng y tế một quận cho biết, giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y có thời hạn 5 năm, nay đã hết hạn, muốn gia hạn nhưng lúng túng không biết thế nào. Một cán bộ Phòng Quản lý dịch vụ Sở Y tế TPHCM cho biết, quy định của Bộ Y tế là chỉ cho phép cán bộ, công chức hành nghề y, dược đến hết 31-12-2010, vậy cứ thế mà thi hành, còn sắp tới có quy định nào khác thì không biết!

Đã gần 10 năm mở phòng mạch tư chuyên khám bệnh trẻ em, BS Trần Văn Ngọc, Trưởng khoa Nhi A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, bồn chồn vì không biết số phận phòng mạch tư của mình sẽ ra sao. “Cái quan trọng của phòng mạch tư mà một bác sĩ ở bệnh viện công mở ra không phải chỉ vì kiếm thêm tiền, mà muốn cống hiến sức lực, tay nghề của mình để phục vụ xã hội”, BS Ngọc nói.

Thực tế cho thấy, phần lớn bác sĩ có thâm niên, tay nghề tại các bệnh viện công ở TPHCM đều mở phòng mạch tư. Theo BS Lê Minh Hải, Trưởng phòng Quản lý dịch vụ Sở Y tế TPHCM, hiện TP có hơn 5.000 phòng mạch tư. Trong đó, theo phòng y tế các quận huyện, có trên 60% phòng mạch tư là của bác sĩ đang làm việc ở bệnh viện công. Điều đáng nói, bên cạnh những phòng mạch có trách nhiệm, uy tín thì vẫn còn không ít phòng mạch của các bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện công mở ra để lôi kéo bệnh nhân từ bệnh viện. Nhiều bác sĩ tay nghề non kém nhưng vẫn mở phòng mạch dẫn đến những tai biến cho bệnh nhân.

Đứng giữa 2 dòng

Theo Thông tư hướng dẫn về hành nghề y, dược tư nhân của Bộ Y tế, cán bộ, công chức chỉ được hành nghề y, dược tư nhân đến hết ngày 31-12-2010. Chứng chỉ hành nghề y, dược tư nhân, giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y, dược tư nhân của cơ sở hành nghề y, dược tư nhân do cán bộ, công chức đứng đầu dù cấp hoặc gia hạn ở bất kỳ thời điểm nào đều hết giá trị sử dụng vào ngày 31-12-2010. Như vậy, đến thời điểm trên coi như chấm dứt tình trạng “chân trong, chân ngoài” của bác sĩ công tác ở các cơ sở y tế công lập.

Tuy nhiên, Luật Khám chữa bệnh đã ra đời và có hiệu lực vào ngày 1-1-2011 sắp tới thay thế cho Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân không hề đề cập đến việc chấm dứt hoạt động phòng mạch tư của y, bác sĩ là cán bộ, công chức. Hơn nữa, Luật Khám chữa bệnh chỉ đưa ra quy định là bác sĩ công tác tại bệnh viện công phải có chứng chỉ hành nghề. Đồng thời, mục 13 Điều 6 Luật Khám chữa bệnh chỉ “cấm cán bộ, công chức, viên chức y tế thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước”, chứ không đề cập đến loại hình phòng mạch tư.

Bác sĩ Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115 TPHCM, cho rằng Bộ Y tế cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khám chữa bệnh và nói rõ cán bộ, công chức có được tiếp tục hành nghề y, dược tư nhân hay không? Theo BS Phú, không nên cấm cán bộ, công chức hành nghề y, dược tư nhân bởi nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng. Thừa nhận vẫn còn một số ít phòng mạch tư chưa tuân thủ quy định hành nghề cũng như đạo đức nghề nghiệp nhưng theo BS Phú, cần có hàng rào kỹ thuật và tăng cường giám sát của cơ quan chức năng. Một số y bác sĩ là cán bộ, công chức nhìn nhận rằng, nếu cấm mở phòng mạch tư, họ sẽ tuân thủ và chuyên tâm công tác tại bệnh viện công. Một số y bác sĩ khác cho biết sẽ bỏ bệnh viện công để làm cho bệnh viện tư và phòng mạch tư. “Thực sự nhiều bác sĩ đang đứng giữa 2 dòng, không biết lựa chọn thế nào”, một bác sĩ nói.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đều hưởng ứng việc duy trì cho cán bộ, công chức tiếp tục hành nghề y, dược tư nhân sau 31-12-2010. Song để chấn chỉnh sự bát nháo, sự thiếu tuân thủ quy định nghề nghiệp và đạo đức, Bộ Y tế cần có những tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể hơn. Ví dụ thời hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề nên rút ngắn xuống 3 năm (hiện là 5 năm). Sau đó muốn gia hạn phải đáp ứng các điều kiện như phải chứng minh việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục, tham dự bao nhiêu hội nghị, có bao nhiêu báo cáo khoa học, không để xảy ra tai biến… “Như vậy mới đảm bảo cho người bệnh được hưởng chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất”, BS Nguyễn Đình Phú nói.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.