Khi trẻ quá hiếu động, ngỗ ngược

14/10/2010 08:40 GMT+7

Cha mẹ bé Đ.T. (Q.3, TP.HCM) rất khổ sở về nhiều biểu hiện của con trai mình. Dường như bé không thể ngồi yên, tập trung hoàn thành hoạt động nào đó, lại thường xuyên không vâng lời và chống đối những yêu cầu của người lớn.

Những năm ở trường mẫu giáo bé rất nghịch ngợm, hay làm hư hỏng đồ đạc trong lớp học. Năm nay bé đang học lớp 1, cô giáo cũng thường xuyên than phiền về khả năng tập trung của bé trong giờ học, rồi bé không chịu viết bài... Nỗi lo càng tăng lên khi cha mẹ biết rằng biểu hiện nghịch phá quá mức, thái độ chống đối ở T. cũng là triệu chứng của rối loạn thách thức chống đối kèm rối loạn tăng động - những biểu hiện hướng ngoại của rối loạn hành vi.

Không vâng lời

Rối loạn hành vi có các biểu hiện hướng ngoại như rối loạn tăng động (trẻ hoạt động quá mức), rối loạn cư xử (cư xử khiêu khích, gây hấn và chống đối xã hội), rối loạn chống đối thách thức (các hành vi tiêu cực mang tính thách thức, không nghe lời)... hoặc hướng nội như rối loạn lo âu, trầm cảm... Trong đó, rối loạn tăng động và rối loạn chống đối thách thức thường gặp nhiều ở trẻ nhỏ, rối loạn cư xử thường thể hiện ở trẻ trước và đang tuổi dậy thì.

Trẻ có rối loạn hành vi hướng ngoại được cha mẹ đưa đến thăm khám với các than phiền như: trẻ thường đứng ngồi không yên, kém tập trung chú ý, khó khăn trong việc học, khó hòa nhập với bạn bè cùng tuổi, không chấp nhận ý kiến của người khác, luôn đòi hỏi đạt những gì trẻ muốn, hay làm người khác phiền lòng, có thái độ khiêu khích, cắn bạn, đánh nhau, đổ lỗi cho người khác, thậm chí tàn nhẫn với súc vật hoặc với người khác, phá hại tài sản...

Nguyên nhân ít ai ngờ

Ngoài các vấn đề hành vi, trẻ còn khó khăn trong các lĩnh vực khác. Ví dụ ở khía cạnh ngôn ngữ, cha mẹ thấy trẻ nói quá nhiều, nói không ngừng hoặc có trẻ lại khó khăn trong việc biểu đạt bằng ngôn ngữ. Về cảm xúc: không biết sợ, ít buồn, thiếu cảm giác tội lỗi, đa nghi, bối rối, lúng túng, căng thẳng trước những sự thay đổi bất ngờ, hay lo âu...

Nhiều phụ huynh không ngờ nguyên nhân của căn bệnh này lại xuất phát từ những yếu tố dễ bị bỏ qua:

* Xung đột gia đình

Sống trong gia đình mà cha mẹ thường xuyên xung đột hoặc ly dị lúc trẻ mới sinh hoặc ngay giai đoạn trẻ bắt đầu làm quen với môi trường học đường, thường khiến trẻ có khuynh hướng chấp nhận hành vi bạo lực. Nếu cha mẹ dành thời gian cho công việc, các mối quan hệ của mình, không quan tâm trẻ, trẻ có thể không vâng lời hoặc chống đối.

Còn nếu cha mẹ quá nghiêm khắc, trẻ lại phục tùng trong ấm ức, làm ức chế tính chủ động và sự tự ý thức ở trẻ. Ấm ức lâu ngày gây rối loạn lo âu và trầm cảm, hoặc trẻ có xu hướng khẳng định cái tôi của mình.

Sự vắng mặt hoặc thiếu vai trò của người cha trong gia đình hoặc trong việc giáo dục trẻ cũng gây khó khăn cho sự ổn định hành vi và cảm xúc ở trẻ. Các thay đổi thường xuyên như dời nhà, đổi trường, thay người chăm sóc cũng khiến trẻ bất an dẫn đến chống đối.

* Tâm lý thần kinh

Sau 2 tuổi, trẻ có nhu cầu gia tăng vận động và khám phá thế giới xung quanh mạnh mẽ, hoặc tuổi dậy thì trẻ có nhu cầu khẳng định bản thân nhưng đây cũng là thời điểm cha mẹ thường lo ngại các nguy hiểm xảy ra cho trẻ nên đặt giới hạn hoặc cấm đoán trẻ. Việc này tạo nên những cuộc chiến khiến hai bên đều mệt mỏi. Có trẻ rút lui nhưng có trẻ vẫn cố gắng đạt được điều mình muốn, dẫn đến sự đối đầu và sự leo thang của hành vi không vâng lời, chống đối.

Ngoài ra, các tổn thương não và chấn thương sọ não có thể là nguyên nhân làm trẻ hung hăng, dễ cáu gắt và dễ bị kích thích. Phụ huynh cũng nên lưu ý việc đánh vào đầu hay vỗ mạnh vào trán trẻ nhỏ có thể gây những hậu quả đáng tiếc.

* Bị “tẩy chay” hoặc làm “đại ca” trong lớp học

Sáu năm đầu đời của trẻ quyết định rất nhiều đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ về sau. Giai đoạn nhà trẻ - mẫu giáo giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội như hợp tác, biết chia sẻ giúp đỡ bạn bè (thông qua hoạt động nhóm - trò chơi đóng vai...). Từ đó, giúp trẻ đánh giá bản thân dựa vào mối quan hệ với bạn bè và với cô giáo (được bạn chơi cùng, cô yêu thương, khen ngợi...).

Ngược lại, nếu trẻ bị tẩy chay ở giai đoạn này sẽ dễ dàng kém tự tin, đánh giá thấp bản thân dẫn đến thái độ rút lui hoặc có xu hướng dùng hành vi bạo lực để chống lại sự tẩy chay của bạn bè.

Còn nếu giáo viên tỏ ra dung thứ các hành vi hung hăng, gây hấn của trẻ, trẻ sẽ được nước lấn tới. Ngoài ra, cũng có trường hợp đáng tiếc khi giáo viên sử dụng các trẻ có hành vi hung hăng làm người quản lý, “đại ca” trong lớp, vô tình khuyến khích và củng cố trẻ thể hiện quyền lực bằng hành vi sai trái của mình.

Bên cạnh các nguyên nhân trên, không thể không nhắc đến ảnh hưởng của phim truyện với các hành vi bạo lực phổ biến trên truyền hình, trò chơi điện tử, phim siêu nhân đã tác động không ít vào trẻ...

Con “quậy”, không chỉ cha mẹ khổ

Nhiều trẻ rối loạn hành vi hướng ngoại bị dán nhãn “lì lợm, hư đốn, khó dạy” nên không được bạn bè cho chơi cùng. Trẻ cũng gặp khó khăn trong việc học do kém khả năng chú ý; thiếu kiên nhẫn, tự tin, linh hoạt trong tư duy và lúng túng, hấp tấp trước các tình huống giải quyết vấn đề. Rắc rối ở trẻ có thể gây thêm mâu thuẫn trong gia đình vì người lớn thường đổ lỗi cho nhau! Khi cha mẹ nghi ngờ hay nhận thấy trẻ có rối loạn hành vi hướng ngoại nên theo dõi, đưa trẻ đến các bệnh viện, trung tâm tâm lý để thăm khám.

Phụ huynh không nên quá lo lắng vì có những hành vi mang màu sắc “chống đối” là bình thường trong một số giai đoạn phát triển tâm lý của trẻ. Các nhà chuyên môn sẽ căn cứ trên đặc điểm triệu chứng lâm sàng, tuổi của trẻ, thời gian, tần suất biểu hiện các rối loạn hành vi để xác định vấn đề, từ đó có phương thức điều trị thích hợp.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.