Không gian nghẹt thở
Do tận dụng, tái sử dụng cơ sở hiện hữu để làm trường nên cảm nhận đầu tiên khi bước chân vào những ngôi trường này là một không khí không phải của trường học.
Cảnh ngột ngạt, tối tăm thường thấy ở các khu nội trú trường THPT Đông Du - Ảnh: Đ.N.T |
Nếu không chú tâm và nhìn bảng hiệu trên cổng thì khó ai nghĩ tại địa chỉ 117 Nguyễn Đình Chính (Q.Phú Nhuận) đang là nơi học tập và ăn ở của hàng trăm HS trường THPT dân lập Đăng Khoa. Vừa bước vào cổng trường là hành lang được ngăn thành một phòng với rất nhiều chức năng: phòng bảo vệ kiêm nơi bảo quản lễ phục ngày tốt nghiệp, điểm nhận văn phòng phẩm, đồ dùng HS... Phần còn lại của hành lang là lối đi vào trường đầy nghẹt xe gắn máy và xe đạp. Chúng tôi thấy có cột bóng rổ trên lối đi nhưng với tình trạng xe kín như nêm này, đi còn khó thì làm sao HS tập thể dục được?
Một số trường THPT ngoài công lập tại TP.HCM có tổ chức nội trú cho HS: Thanh Bình, Trương Vĩnh Ký, Thái Bình, Hồng Hà, Đăng Khoa, Đông Du, Duy Tân, Nhân Văn, Nguyễn Khuyến, Ngô Thời Nhiệm, Việt Thanh, Tân Phú, Trí Đức, Hồng Đức, Ngôi Sao... |
Cầu thang và lan can của khu vực nội trú được bịt kín. Theo ông Lê Trọng Chì - Hiệu trưởng nhà trường thì: “Phải làm vậy để phòng việc HS trốn ra khỏi phòng”. Ở đầu mỗi dãy phòng khu vực nội trú đều có 2 bảo vệ mặc đồng phục, được giao nhiệm vụ canh gác và đóng mở cổng suốt 24/24 giờ trong tuần với mục đích không được để HS ra khỏi phòng mà không được phép, nhất là vào buổi tối.
Chúng tôi đến trường vào buổi trưa, ngoài trời nắng nóng nhưng trong các phòng ở của HS tối om, không khí ngột ngạt, ẩm thấp. Mỗi phòng rộng hơn 30m2 kê 2 dãy giường tầng san sát nhau, chăn màn, chiếu gối, quần áo xộc xệch, lung tung là chỗ ở của 25-30 HS... Mỗi dãy có 3 phòng ở với hơn 90 HS mà chỉ có 1 nhà vệ sinh sử dụng. Ở khu nội trú nữ, mỗi phòng có 24 HS, không khí có phần dễ thở, đồ dùng gọn gàng hơn nhưng một nữ HS lớp 12 than thở: “Phòng chật chội, chỗ trống nhỏ xíu thì làm đường đi, nếu không nằm trên giường thì cũng chẳng có chỗ nào đứng hoặc làm bất cứ việc gì khác”.
Nhìn bề ngoài trường THPT dân lập Hồng Hà (Q.Phú Nhuận) rất sáng sủa do sân trường rộng và đầy nắng, nhưng các phòng nội trú lại tối mù do không có cửa sổ nên ánh sáng chẳng thể lọt qua.
Phòng nội trú nam của trường THPT Đăng Khoa - Ảnh: B.T |
Khu nội trú nam nằm ngay gầm cầu thang là phòng đôi thông nhau có sức chứa từ 40-50 HS/phòng. Không giống như khu nội trú ở các trường khác, HS ở đây được nằm nệm nhưng khi bước vào các phòng, mùi mồ hôi quyện với mùi mút nệm và các loại quần áo làm cho không khí thêm đặc quánh, ngột ngạt đến khó thở. Khu nội trú nữ nằm liền kề với phòng học ở dãy nhà kế bên. Mỗi HS được bố trí một ngăn tủ nhỏ nhưng chỉ đủ chỗ cho đồ dùng cá nhân đơn giản còn quần áo treo lên tường hoặc cho vào giỏ nhét vào gầm giường.
Cũng cảnh tương tự, khu nội trú dành cho nam của trường THPT dân lập Đông Du (Q.Tân Phú) là một dãy phòng lợp tôn, mỗi phòng có diện tích khoảng 60m2 nhưng chứa đến 60 HS với 2 dãy giường tầng san sát nhau, giữa 2 dãy giường chỉ có một lối đi hẹp. Ngoài tivi và các quạt máy treo tường, trong phòng còn treo rất nhiều quần áo, khăn mặt, các vật dụng cá nhân của HS và vô số... mùi bốc ra từ quần áo dơ, khăn mặt ướt. Khi được hỏi về điều kiện sống ở khu nội trú này, một HS nam ngại ngùng cho biết: “Mỗi ngày đều có người vô dọn dẹp, nhưng phòng đông người nên rất ngộp thở. Còn khu vệ sinh dùng chung nên thường xuyên phải chờ đợi và hôi hám”.
Bà Hà Thị Kim Sa, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Hồng Hà cho biết: “Nhà trường tận dụng cơ sở vật chất, phòng ốc của đơn vị cho thuê là một công ty dược phẩm. Tuy nhiên, hiện nay công ty này đang hoàn tất giấy phép xây dựng để xây khu phức hợp nên trường không dám đầu tư sửa chữa lớn. Sang năm, khi trả lại cơ sở này, trường chuyển về địa điểm mới mọi thứ sẽ khang trang hơn”. Tuy nhiên, bà Sa nhìn nhận: “Cũng phải nói thật, nhiều khi ý thức HS kém, sử dụng đồ dùng không cẩn thận nên hư hao khá nhiều. Đầu năm học, trước khi đón HS nhà trường chỉnh trang sạch sẽ nhưng chưa đầy 1 tháng, đồ đạc các em dùng đã lung tung”.
Chưa có quy định về điều kiện nội trú
Các trường ngoài công lập góp phần giảm tải cho khối trường công lập, tạo chỗ học cho số lượng không nhỏ HS TP.HCM và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, sự tồn tại các trường có nội trú cần sự quan tâm, giám sát chặt chẽ từ cơ quan chủ quản để phụ huynh an tâm và HS có điều kiện để học tốt.
Anh Hòa - phụ huynh HS nội trú của trường THPT Nguyễn Khuyến (đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình) lo lắng khi con mình liên tiếp mắc các loại bệnh nấm da, nhất là tại các khu vực nhạy cảm của cơ thể. Anh Hòa tâm tư: “Vì việc học và nhất là không có người quản lý nên gia đình mới quyết định cho con vào ở nội trú. Điều kiện ăn ở thấp kém, tôi lo lắng lắm nhưng đành chịu”. Một nữ sinh lớp 11 trường THPT dân lập Hồng Hà cho biết: “Ngày mới vào học, chưa quen với lối sống tập thể, xa bố mẹ em khóc miết, chẳng chú tâm học hành. Nhưng nhìn lại, các bạn bên cạnh đều như vậy nên đành cố gắng vượt qua nỗi buồn”.
Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Chưa có bất cứ một quy định nào về nội trú trong các trường THPT dân lập. Trước đây, mỗi đợt thanh kiểm tra, ngoài vấn đề mấu chốt là chuyên môn thì Sở cũng lưu ý các trường phải chú ý đến điều kiện ăn ở, đảm bảo yếu tố an toàn cho HS thì mới được phép tuyển sinh. Tuy nhiên, hiện nay Sở đang giao nhiệm vụ cho Phòng Công tác chính trị HS-SV cùng thanh tra đến các trường thực hiện nội trú để kiểm tra tình hình thực tế. Trên cơ sở đó, Sở sẽ có những quy định cụ thể ”.
Bích Thanh - Phi Loan
Bình luận (0)