Cuộc đua “xâm lược” không gian

16/10/2010 23:23 GMT+7

Cuộc chạy đua vào vũ trụ không chỉ để chứng tỏ ưu thế trong nghiên cứu khoa học hoặc tìm kiếm tài nguyên mà còn vì mục đích quân sự.

Theo báo cáo "An ninh không gian 2010" do Space Security Index (SSI - tổ chức nghiên cứu quốc tế nhằm tăng cường tính minh bạch liên quan đến các hoạt động không gian) công bố mới đây, Mỹ vẫn là nước chi tiêu nhiều nhất cho các chương trình không gian liên quan đến quốc phòng.

Chuyên gia quân sự và quốc phòng John Pike, người sáng lập website GlobalSecurity.org, nhận định Mỹ ngày càng lệ thuộc vào việc phát triển sức mạnh trên không gian để bảo vệ các mục tiêu dưới đất. Điều này có thể phản tác dụng khi các đối thủ tìm được cách tiêu diệt các vệ tinh theo dõi và phòng vệ của nước này.  

“Mắt thần” trên trời, “nỏ thần” dưới đất

Theo báo cáo của SSI, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi 10,7 tỉ USD nhằm thúc đẩy năng lực không gian trong năm 2009. Con số này chưa bao gồm kinh phí cho Cơ quan Do thám quốc gia, Cơ quan Địa không gian quốc gia hay Cơ quan Phòng thủ tên lửa. Phần lớn khoản tiền trên tập trung vào các vệ tinh viễn thông, tình báo, do thám và giám sát, cũng như những ứng dụng trong điều khiển vũ khí.

Báo cáo của SSI cho biết tính đến cuối năm 2009, Mỹ sở hữu phân nửa trong số 175 vệ tinh quân sự chuyên dùng hiện diện trong không gian. Tuy nhiên, chuyên gia Pike dẫn số liệu của USC (tổ chức nghiên cứu khoa học phi lợi nhuận ở Mỹ) cho hay Mỹ đang điều hành tới 115 vệ tinh. Khoảng 25% số vệ tinh quân sự đang hoạt động là của Nga, còn Trung Quốc có 12 vệ tinh.

Bên cạnh đó, Mỹ, Nga và Trung Quốc cũng đang có các hệ thống tên lửa hiện đại có thể tiêu diệt vệ tinh trong quỹ đạo. Vào năm 2007, Trung Quốc đã bắn hạ một vệ tinh dự báo thời tiết bị hỏng bằng tên lửa phóng từ trạm không gian Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên. Dù Bắc Kinh tuyên bố đây là hoạt động bình thường nhằm dọn dẹp những vệ tinh hư hỏng nhưng nhiều bên đã phải "giật mình" trước khả năng của tên lửa nước này. Năm 2008, đến lượt Hải quân Mỹ phóng tên lửa bắn hạ một vệ tinh do thám cũ. Trong khi đó, ngay từ thập niên 1980, Nga đã cho thấy khả năng chống vệ tinh của mình. Các nước này cũng đang nghiên cứu những chương trình laser tối tân có thể "gây mù" tạm thời vật liệu quang học có độ nhạy cao của vệ tinh tầng địa tĩnh.

Về phần Ấn Độ, theo Space.com, đầu năm nay Bộ Quốc phòng nước này cho biết họ đã bắt đầu phát triển một loại vũ khí laser có thể tiêu diệt các vệ tinh của đối phương trong quỹ đạo. 

Vũ khí bí mật

Một số công nghệ không gian có thể có hoặc không có công dụng quân sự, tùy thuộc vào ý định và quan điểm của các quốc gia. Những cuộc diễn tập vệ tinh gần đây của Trung Quốc có lẽ nhằm đánh giá năng lực thám hiểm không gian trong tương lai của nước này. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng những cuộc diễn tập tương tự để thăm dò vệ tinh của nước ngoài. Space.com dẫn lời ông Brian Weeden, cựu chuyên gia phân tích quỹ đạo của Không lực Mỹ và hiện là cố vấn kỹ thuật của Quỹ Secure World, cho biết từ ngày 20.6 đến ngày 16.8 vừa qua, vệ tinh SJ-12 của Trung Quốc đã thực hiện ít nhất 6 cuộc diễn tập bí mật.


Phác thảo "chia phần" mặt trăng của Mỹ và Liên Xô trước đây (phần ngũ giác là của Mỹ, đường ở trên là ranh giới của Liên Xô) - Ảnh: Indomitus.net

Trong khi đó, ngày 22.4.2010, Mỹ đã phóng tàu vũ trụ quân sự tự động X-37B do hãng Boeing chế tạo vào không gian. Theo Space.com, tàu này có thể cho phép quân đội Mỹ nhanh chóng thay thế những vệ tinh bị tiêu diệt trong trận chiến không gian. Chiếc tàu X-37B cùng với dự án tàu lượn cực siêu thanh HTV-2 đang được Lầu Năm Góc tích cực triển khai đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về một chương trình vũ khí không gian tối tân và tuyệt mật. Báo cáo của SSI cho biết Nga cũng quan tâm đến việc ngăn chặn sự phát triển các hệ thống có thể đe dọa vệ tinh của họ.

Hiện tại, Mỹ có vẻ vẫn đang dẫn đầu về các năng lực không gian hỗ trợ cho quân sự. Nhưng như chuyên gia John Pike nhận định, việc dựa quá nhiều vào sức mạnh không gian để duy trì khả năng quân sự khiến Mỹ trở nên dễ lâm nguy một khi các đối thủ tương lai quyết định bắn hạ những vệ tinh hỗ trợ của nước này. 

Tiến chiếm nguyệt cầu

Trong cuộc đua chinh phục không gian, mặt trăng ở gần trái đất nhất và dễ trở thành "chiến địa" mà các bên muốn tranh giành nguồn tài nguyên phong phú nơi đây. Theo website Indomitus.net, Hiệp ước Không gian năm 1967 được Mỹ và Liên Xô phê chuẩn quy định không quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với bất kỳ nơi nào ngoài trái đất. Tuy nhiên, dường như vẫn có một sự phân chia ngầm giữa 2 siêu cường thời Chiến tranh lạnh trên lãnh thổ mặt trăng.

Không có tàu vũ trụ nào của Liên Xô được đưa lên mặt trăng từ ngày 13.2.1966 đến ngày 9.8.1976 đáp xuống bên trong một khu vực hình ngũ giác được xác định bởi điểm đáp của các tàu vũ trụ Surveyor 1, Surveyor 7, Apollo 11, Apollo 17 và Apollo 15 của Mỹ. Ngược lại, trong khoảng thời gian từ ngày 28.7.1964 đến ngày 19.12.1972, không tàu Mỹ nào đáp ngoài lằn ranh được xác lập bởi các tàu Luna 9, Luna 2, Luna 21 và Luna 16 của Liên Xô.

Do tính chất lỏng lẻo của Hiệp ước 1967, vào năm 1979, một số nước đề xuất Hiệp ước Mặt trăng, có hiệu lực từ năm 1984. Hiệp ước quy định mặt trăng là tài sản chung của nhân loại và phục vụ cho lợi ích của mọi quốc gia trên trái đất. Tuy nhiên, tính đến nay, chỉ mới có 13 nước phê chuẩn hiệp ước này. Trong số đó không có Ấn Độ, Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Giới phân tích nhận định Trung Quốc và Ấn Độ đang đạt được các khả năng tương tự như Mỹ trong cuộc chinh phục mặt trăng. Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama bỏ dự án "Costellation" trị giá 100 tỉ USD do người tiền nhiệm George W.Bush phát động nhằm đưa các phi hành gia lên lại mặt trăng vào cuối thập niên này có vẻ như chắp thêm cánh cho các "đối thủ" châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Hôm 1.10 vừa qua, Trung Quốc đã phóng tàu Hằng Nga 2 vào không gian để thực hiện sứ mệnh thăm dò mặt trăng. Tàu này bay trên quỹ đạo cách bề mặt mặt trăng 15 km để thử nghiệm công nghệ hạ cánh của tàu Hằng Nga 3 và chụp các bức ảnh có độ phân giải cao. Trong giai đoạn thứ ba của chương trình thăm dò mặt trăng, tàu Hằng Nga 3 sẽ đáp xuống mặt trăng vào năm 2013 để thu thập mẫu đất đá và đưa về trái đất vào năm 2017. Bắc Kinh phóng tàu Hằng Nga 1 vào không gian năm 2007.

Giống như việc khảo sát khoa học tại Nam Cực, ai đến trước thì người đó nắm quyền chủ động. Ông u Dương Tự Viễn, người chủ trì giai đoạn đầu trong chương trình thám hiểm mặt trăng của Trung Quốc, mới đây đã phát biểu trên đài phát thanh CRI: "Nếu như đợi đến lúc người khác tìm ra cách tận dụng tài nguyên mặt trăng, Trung Quốc mới khởi động thì đã quá muộn.

Chúng ta đã lỡ chuyến tàu thám hiểm mặt trăng đầu tiên, bởi vậy không thể tụt hậu trong đợt thám hiểm mới này". Ông Tôn Gia Đống, nguyên Tổng phụ trách kỹ thuật vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Trung Quốc, khẳng định nếu công cuộc thám hiểm mặt trăng của nước này thu được thành quả thì khi quốc tế thảo luận về việc chia sẻ quyền lợi trên mặt trăng, Trung Quốc sẽ có quyền phát ngôn lớn hơn và "sẽ bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của mình tại mặt trăng".

Các chuyên gia nhận định nguồn tài nguyên khổng lồ trên mặt trăng là động lực hàng đầu cho nỗ lực chinh phục chị Hằng của Trung Quốc. Theo ước tính của ông u Dương Tự Viễn, chỉ tính riêng helium-3, nguyên liệu dùng sản xuất điện hạt nhân sạch và an toàn nhất, thì mặt trăng có từ 1-5 triệu tấn, so với chỉ 15 tấn trên trái đất. Ngoài ra, Trung Quốc còn nhắm đến lợi thế về tầm cao của mặt trăng. Do mặt trăng cao hơn tầng địa tĩnh nên quan sát trái đất từ mặt trăng hẳn sẽ hiệu quả hơn nhiều so với sử dụng vệ tinh. Như vậy, có lẽ sự xuất hiện của các căn cứ quân sự trên nguyệt cầu sẽ không còn quá xa vời.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.