Gây sốc bằng video clip
K.D, một học sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) kể: “Trong lớp em mấy bạn hay dùng điện thoại để quay lại những lúc thầy cô tức giận và phàn nàn, lớn tiếng với cả lớp. Sau đó, các bạn "bắn" bluetooth để truyền tay cho nhau xem rồi tha hồ bình loạn. Ngoài ra, điện thoại cũng còn được dùng để... quay cóp trong những buổi kiểm tra”.
Với một số em HS trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), chiếc ĐTDĐ đôi khi là máy quay phim để các bạn ghi lại những vở kịch vui hay đoạn phim ngắn tự chế và tải lên mạng để mọi người cùng thưởng thức.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, báo chí đã không ít lần lên tiếng về những vụ HS dùng ĐTDĐ để quay lại cảnh đánh nhau, hôn nhau hay đánh bài cởi áo trong lớp học rồi phát tán lên mạng để gây sốc.
|
Theo chúng tôi ghi nhận, tại clip.vn, có cả trăm clip nữ sinh đánh nhau và hầu hết các video tung lên mạng đều được quay bằng ĐTDĐ.
Trả lời Thanh Niên Online, ông Nguyễn Gia Trung, Trưởng nhóm biên tập nội dung của clip.vn từng nói: có 2 loại clip đánh nhau phổ biến trên mạng do người dùng tạo ra. Một là clip "giả đánh nhau" được quay với mục đích... vui đùa của HS, SV. Sau khi được kiểm duyệt, nếu không có vấn đề, các clip này được chấp nhận như bình thường.
"Còn các clip đánh nhau thật có thể được loại bỏ hoặc lưu lại trên hệ thống nhằm giúp các phương tiện truyền thông thấy rõ nhất cuộc sống, hành vi và những biểu hiện của giới trẻ. Qua đó, muốn nhờ các phương tiện truyền thông lên án, định hướng để cộng đồng mạng nói riêng và xã hội nói chung biết và chung tay loại bỏ những hành động tiêu cực này trong tương lai", ông Trung bổ sung thêm.
|
Cô Trần Thị Kim Thu - Phó hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân cho biết, từ lâu Ban giám hiệu nhà trường đã ban hành nội quy cấm HS mang và sử dụng ĐTDĐ trong trường.
“Trong giờ học, hễ có điện thoại trong tay là thế nào cũng có những em nhắn tin cho nhau thì làm sao tập trung vào bài giảng cho được. Thậm chí, các em còn bắn bluetooth cho nhau để truyền tay những phim ảnh đồi trụy nữa. Đối với những trường hợp đó nhà trường kỷ luật rất nghiêm”, Phó hiệu trưởng Kim Thu khẳng định.
Bà Thu cũng nói thêm, thay vì xài ĐTDĐ, HS của trường hoàn toàn có thể lên văn phòng của trường để mượn điện thoại bàn gọi về nhà bất cứ lúc nào.
Vật bất ly thân
Hiện nay không ít HS coi ĐTDĐ là vật bất ly thân. “Em có thể nhịn ăn một bữa nhưng thiếu ĐTDĐ một vài tiếng là không chịu được, cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó”, V.A, một HS lớp 11 trường THPT Marie Curie (TP.HCM) bộc bạch.
|
Trên nhiều diễn đàn của giới teen cũng xuất hiện khá nhiều chủ đề liên quan đến việc nên hay không nên sử dụng ĐTDĐ trong trường.
Một bạn trẻ có nick Mitu phát biểu: “Thời buổi này xài ĐTDĐ là chuyện quá bình thường. Mình thấy điện thoại để liên lạc rất tiện lợi, miễn là đừng đua đòi, đổi hết máy này đến máy khác và dùng lung tung trong giờ học là được. Đặc biệt là nên nhớ tắt chuông để tránh ảnh hưởng bài giảng của thầy cô. Nhiều khi ở nhà bố mẹ có việc gì đó gấp mà không có ĐTDĐ liên lạc cũng bất tiện lắm chứ!”.
Nhiều phụ huynh cũng đồng tình với việc cho con mang theo ĐTDĐ đến trường.
"Có những lúc tôi về trễ không thể đón con kịp nên có cái điện thoại cũng nhắn tin hay gọi để thông báo cho con được, chứ chẳng lẽ đang bận mà phải chạy qua trường thông báo thì mất công lắm. Với lại, có điện thoại, mình cũng dễ quản lý con”, chị Thùy Trâm, phụ huynh của một HS lớp 12, ở Q.3 nói.
Ở trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6, TP.HCM) cũng có quy định cấm HS xài ĐTDĐ trong trường. Song nội quy vừa đưa ra đã bị nhiều phụ huynh phản đối. Để giải quyết thấu tình đạt lý hơn, nhà trường đã nghĩ ra cách lắp đặt hai buồng điện thoại và cho học sinh mượn điện thoại ở phòng giám thị khi cần.
Đối với những nội quy cấm HS mang theo ĐTDĐ dù không sử dụng ở một số trường học, thầy Lâm Văn Triệu - Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) bày tỏ: Theo tôi, chúng ta không nên làm như thế. Vì sử dụng ĐTDĐ là nhu cầu và quyền riêng tư cá nhân của các em. Nhưng trường chúng tôi quy định HS phải tắt hẳn ĐTDĐ trong tiết học. Hễ em nào dùng ĐTDĐ trong lớp thì sẽ tạm giữ và trừ điểm thi đua, đồng thời báo cho phụ huynh biết. Còn sau giờ học thì các em có thể xài điện thoại thoải mái”.
Ngoài quy định trên, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong còn cấm HS mang ĐTDĐ đắt tiền vào trường.
(Còn tiếp)
Trí Quang
>> Kỳ 1: Trào lưu "2 tay 2 dế"
Bình luận (0)