Nhờ cây thuốc để tán sỏi

17/10/2010 11:11 GMT+7

Không ai vui khi biết mình đang chứa ít viên sỏi đâu đó trong đường tiết niệu. Khổ hơn nữa nếu đã từng trải qua vài cơn đau tá hỏa.

Tuy vậy, không mấy nạn nhân hăng hái phẫu thuật lấy sỏi dù thao tác ngoại khoa này ngày nay hầu như bảo đảm an toàn. Đó là chưa kể nhiều trường hợp không cần động dao động kéo vì có thể tán sỏi từ bên ngoài cơ thể bằng kỹ thuật laser, siêu âm...

Nhiều bệnh nhân vì thế thích chọn cách uống thuốc làm tan sỏi. Cách này không hẳn là sai nếu như sỏi chưa đủ lớn để phải phẫu thuật và nhất là nếu người bệnh để ý vài điểm quan trọng. Trước hết, đúng là một số cây thuốc có tác dụng tán sỏi, ví dụ điển hình như cây kim tiền thảo.
 
Tuy nhiên kim tiền thảo lại không có tác dụng rõ ràng với sỏi có cấu trúc oxalat canxi. Trái lại, dược thảo này có hiệu quả rõ hơn với sỏi có cấu trúc urate. Như thế, thay vì uống thuốc cầu may, người bệnh cần được chẩn đoán trước đó, chẳng hạn qua phân tích nước tiểu để biết đã vướng loại sỏi nào trước khi dùng kim tiền thảo.
 
Trên thực tế thuốc nào cũng thế, thuốc tốt mà dùng sai chỉ định thì rất dễ rước họa vào thân. Thêm vào đó, tác dụng của kim tiền thảo không dựa vào cơ chế lợi tiểu nên người dùng muốn được lợi ích tối đa thì còn phải kết hợp với một vài dược thảo có công năng lợi tiểu nhẹ như râu bắp, atisô... để gia tăng tiến độ đào thải acid uric qua đường tiểu, thay vì khoán trắng cho kim tiền thảo. Đó là những lý do tại sao có người khen loại cây này hết lời nhưng cũng không thiếu người thất vọng.
 
Kế đến, dùng cây thuốc nào cũng thế, quan trọng vô cùng là uống nước cho đủ, nhất là trong giờ làm việc và thói quen đi tiểu ngay mỗi khi mắc tiểu. Gặp được thầy hay, thuốc tốt mà quên uống nước thì chỉ giúp cho sỏi đóng cứng đâu đó dọc đường tiết niệu.
 
Dễ hiểu vì thiếu nước thì lấy gì rửa cho sạch đường dẫn tiểu? Điểm cần chú ý là không chỉ người đã mang sỏi thận mà ngay cả đối tượng có cơ tạng dễ bị sỏi thận đều nên ưu tiên sử dụng một số thực phẩm như đậu hũ, sữa đậu nành không đường... Không cần ngày nào cũng ăn nhưng nếu được thì từng đợt nhiều ngày trong tháng, nhất là trong thời gian điều trị bằng cây thuốc.
 
Cuối cùng, cây thuốc dù có tốt mà người bệnh không thay đổi được một số tật xấu trong chế độ dinh dưỡng, trong nếp sinh hoạt, chẳng hạn uống bia nhiều hơn uống nước, ăn thịt nhiều hơn dùng rau thì thầy thuốc có giỏi như Hoa Đà cũng bó tay!

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.