Các nhà đầu tư (NĐT) chơi "hội đồng" để đẩy giá cổ phiếu lên cao, sau đó sử dụng đòn bẩy tài chính tại một loạt công ty chứng khoán (CTCK) để thu lời rồi "bỏ của chạy lấy người".
Liên kết làm giá cổ phiếu
Câu chuyện chỉ được phanh phui khi cổ phiếu AAA đang giao dịch trên sàn Hà Nội giảm liên tục từ đỉnh cao 92.000 đồng/CP về mức 40.000 đồng/CP từ ngày 17.9 đến nay, mất 60% giá trị chỉ trong khoảng chưa đầy một tháng khiến các NĐT xôn xao thăm dò. Đặc biệt, việc hàng loạt CTCK ôm quả đắng khi NĐT bỏ tài khoản theo một kịch bản dựng sẵn hoàn hảo.
Kịch bản được giới đầu tư viết lại như sau: Đầu tiên, một số NĐT mở tài khoản ở các CTCK để mua vào lượng lớn CP AAA. Lực cầu này khiến giá AAA từ mức 45.000 đồng/CP vào giữa tháng 8 tăng liên tục đến cuối tháng 8 đạt mức 75.500 đồng/CP. Khi đã tạo được một lực cầu lớn về CP này trên thị trường thể hiện qua khối lượng giao dịch trung bình đạt trên 600.000 CP/phiên, nhóm NĐT này chạy sang các CTCK có tỷ lệ margin cao (cho NĐT sử dụng vốn vay đòn bẩy tài chính với tỷ lệ cao) tới 2:8 hoặc 3:7 mở tài khoản để mua vào CP AAA.
Một tay bán ra với giá cao, một tay mua vào bằng tiền của CTCK, các NĐT này đánh một quả lớn trong thương vụ AAA. Khi kế hoạch hoàn tất, giá CP AAA bắt đầu tuột dốc không phanh thì cũng là lúc các NĐT này “bỏ của chạy lấy người” khiến CTCK cho vay đòn bẩy tài chính phải gánh chịu số lỗ đó (khi NĐT bỏ tài khoản với số CP đã mua vào, CTCK có quyền giải chấp các CP này và chấp nhận lỗ vì CP đã mất giá). Phi vụ AAA đã gây xôn xao trên các diễn đàn chứng khoán gần đây. Nhưng quan trọng hơn, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, phi vụ này có sự bắt tay của các thành viên HĐQT của AAA.
Mặc dù HĐQT của AAA đã gửi công văn bác bỏ thông tin về việc HĐQT đã bán ra 3,5 triệu CP AAA và khẳng định không thực hiện bất kỳ hoạt động nào tác động đến giá CP AAA đang giao dịch. Tuy nhiên, có những giao dịch bất thường của các cổ đông lớn đã khiến NĐT phải đặt dấu hỏi.
Tương tự là hiện tượng giao dịch bất thường của CP CTCP dược thú y Cai Lậy (MKV) trên sàn Hà Nội. Tính từ giá 11.900 đồng/CP vào đầu tháng 4 và đạt đỉnh cao ở mức 77.000 đồng/CP vào ngày 20.8 thì giá CP này đã tăng gần 550%. Ở một số phiên giao dịch, khối lượng khớp lệnh cực lớn, chiếm đến gần 40% vốn điều lệ của công ty. Lạ hơn nữa là hầu hết cổ đông nội bộ của công ty này đều tham gia giao dịch kể cả lướt sóng.
Đội lái xuất hiện
Để làm giá thành công một CP như trường hợp trên, theo các NĐT cần có sự kết hợp giữa môi giới, NĐT VIP và cả những cổ đông lớn của các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn... Các đối tượng này tạo thành một liên kết mang tên "đội lái". Đội lái luôn mạnh về tài chính hoặc đang nắm trong tay số lượng CP khá lớn của doanh nghiệp. Số lượng CP hay số tiền áp đảo đó sẽ quyết định được việc tăng giá hay giảm giá của CP đó trong một hoặc vài phiên giao dịch liên tục nếu đội lái muốn bán ra hay mua vào. Đội lái luôn nghiên cứu về công ty rất kỹ trước khi muốn làm giá CP như HĐQT hay cổ đông lớn nào nắm bao nhiêu CP. Đặc biệt, một yếu tố góp phần không nhỏ để đội lái thực hiện kế hoạch đẩy giá thành công là doanh nghiệp sẽ có những thông tin tốt.
Trong trường hợp của AAA, thông tin về đối tác Nhật Bản đang đàm phán mua lại số lượng lớn CP với mức giá cao đã được tung ra. Mặc dù sau đó câu chuyện này dường như trở nên xa vời nhưng nó cũng đã phát huy được tác dụng. Đó là chưa kể với mối quan hệ hoặc có người phụ trách môi giới ở các công ty chứng khoán khác nhau, đội lái cũng có thể nắm được thông tin mua bán hằng ngày về CP này trên thị trường như ai mua, ai bán?... Chính vì vậy đội lái sẽ luôn là người chủ động và đi trước các NĐT khác trong việc mua vào hay bán ra CP. Do đó rủi ro cho NĐT đi theo sẽ nhiều hơn là điều không tránh khỏi.
Thủy Lưu
Bình luận (0)